6 Suy Nghĩ Hầu Hết Sinh Viên Đều Trải Qua (Phần 1)

Sinh viên là khoảng thời gian đẹp nhất mà chúng ta đã, đang và sẽ có. Đây cũng chính là khoảng thời gian mà mỗi chúng ta đều quẩn quanh với 6 suy nghĩ sau đây. Vì thế, hãy cùng Workingskills khám phá những điều thú vị xung quanh những suy nghĩ ấy nhé.

1. Đời sinh viên nhất định phải có một lần rớt môn?

Quan điểm này có một ảnh hưởng rất tiêu cực, đó chính là làm cho sinh viên chấp nhận những thứ mà đáng lẽ họ không nên chấp nhận. Có thể bạn sẽ khá thất vọng và kinh ngạc khi nhận được điểm “đủ để rớt” của môn thi đầu tiên. Thế rồi thêm một kì nữa các bạn lại trượt một số môn và tiếp tục buồn, thất vọng nhưng lúc này đã không còn thấy cảm giác cắn rứt như trước.

Sau một thời gian, bạn lại tự đánh lừa bản thân và cho rằng điều đó là chuyện bình thường và không còn tự trách bản thân mình nữa, thậm chí bắt đầu tìm lý do để đổ lỗi cho sự vô tư, nhởn nhơ như chưa có chuyện gì của bản thân.

Và rồi cũng chính điều này sẽ khiến bạn sống trong sự tầm thường và thiếu nghiêm khắc với bản thân.

Làm sao để hạn chế suy nghĩ “Rớt môn là chuyện thường”?

  • Rút ngắn con đường thành công bằng cách học hỏi từ kinh nghiệm của người khác.
    – Hãy dành cho mình một sự tò mò nhất định để tìm hiểu và phân tích về nguyên nhân dẫn đến những bài học xương máu mà người đi trước để lại. Vì đó chính là những kinh nghiệm vô cùng quý giá, giúp bạn hạn chế lặp lại những lỗi ấy và hoàn thành thật tốt công việc trong chặng đường mà mình đã chọn.
  • Hãy bắt đầu lên kế hoạch và quản lý bản thân thật tốt cho từng công việc.
    – Một kế hoạch càng chi tiết và cụ thể càng giúp bạn tiến gần hơn những mục tiêu đề ra. Vì thế, trước khi bắt đầu một môn học nào đó, bạn hãy tìm hiểu thật kỹ những vấn đề liên quan, từ đó sắp xếp chúng theo những khung giờ cụ thể. Điều này giúp bạn chủ động hơn trong việc theo dõi và bám sát mục tiêu xuyên suốt quá trình học tập
    Để có thể duy trì kế hoạch đề ra thì quản lý bản thân là điều không thể thiếu, đôi khi bạn cần phải nghiêm khắc với bản thân một tí bằng một vài hình phạt nhỏ để hạn chế sự trì hoãn hay trạng thái lười biếng của bản thân đấy.

Chỉ chính sự nỗ lực và chủ động của bạn thì thời sinh viên mới trở nên ý nghĩa hơn. Hãy học tập một cách nghiêm túc để nâng cao giá trị bản thân thay vì cứ quẩn quanh với những suy nghĩ kiềm hãm sự phát triển của chính mình.

2. Vào Đại học là không phải học nhiều!

Đúng là vậy! Vào Đại học là không phải học nhiều! Mà là…học rất nhiều

Và để biết thời sinh viên học nhiều như thế nào, có một cách rất đơn giản đó là hỏi bác Google với những câu hỏi như: Tại sao sinh viên thất nghiệp?; Sinh viên ra trường cần phải có gì?; Nhà tuyển dụng cần gì ở ứng viên? … Và rồi bạn sẽ nhận ra rằng thật ra không phải học mà là “Phải học rất nhiều” từ kiến thức cho đến kỹ năng và tất cả đều cần rất nhiều thời gian để rèn luyện trước khi ra trường. Chỉ mới tới đây đã thấy chắc hẳn sẽ là rất bận rộn rồi!

Bạn có biết tại sao phải học những môn chuyên ngành đau đầu không?

  • Môi trường Đại học/Cao đẳng chính là “bệ phóng” kiến thức chuyên môn dành cho mỗi sinh viên.
    – Có thể đối với bạn, những kiến thức quá lý thuyết, quá nhàm chán, quá thừa thải, nhưng chính nó sẽ cung cấp cho bạn một nền tảng ổn định hơn trong tương lai. Cứ thử tưởng tượng, một nhân viên Xuất Nhập Khẩu lại chẳng biết đến Nghiệp Vụ Hải Quan hay một nhân viên Kế Toán lại phải loay hoay mãi với chứng từ kế toán và kỹ năng sử dụng Excel, thì ắt hẳn sẽ nhận được rất nhiều e ngại từ nhà tuyển dụng. Tất nhiên, thời gian để ôn tập lại các kiến thức chắc chắn không hề dễ dàng cho một sinh viên đã tốt nghiệp.
  • Hãy nhớ rằng học lúc này là để tạo nền móng.
    – Kiến thức và kỹ năng chính là những thứ tạo nên thế mạnh của bạn sau khi ra trường, và học tập chính là cách xây dựng nền móng vững chắc cho những kiến thức và kỹ năng đó.

Vì thế, hãy trân trọng từng giây phút thời sinh viên, vì đó là khoảng thời gian quan trọng nhất để bạn trang bị cho mình những nền tảng cơ bản cho sự nghiệp tương lai.

Vậy làm gì để không “choáng ngợp” trước khối lượng kiến thức khổng lồ ấy?

  • Hãy bắt đầu học một cách hiệu quả ngay từ bây giờ.
    – Chính việc học tập chủ động và tích cực ấy sẽ trang bị cho bạn những kiến thức chuyên môn vững chắc, cũng như những kỹ năng “ cực xịn” mà nhà tuyển dụng nào cũng phải “xuýt xoa gật đầu” ngay từ thời sinh viên.
    Để tìm hiểu về cách phương pháp học tập hiệu quả, bạn có thể tham khảo tại đây: Kỹ năng học tập chủ động – tích cực.
  • Nếu bạn đang thấy bản thân không biết bắt đầu học từ đâu, bạn có thể tham khảo: Những Trải Nghiệm Không Thể Bỏ Qua Thời Sinh Viên để hoạch định kế hoạch học tập và rèn luyện trong những năm Đại học/Cao đẳng nhé.

3. Thời sinh viên nhất định phải có một nhóm bạn đồng cam cộng khổ

Tại sao cần phải có bạn bè?

  • Bạn bè chính là những sắc màu quan trọng trong cuộc sống của chúng ta
    – Đó cũng chính nơi, bạn có thể tự do là chính mình và sẻ chia niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống. Những chuyến đi xa, những chuyến tình nguyện, học tập chung, thức thâu đêm suốt sáng chạy deadline,…tất cả đều là những trải nghiệm tuyệt vời dành cho bạn.
  • Bạn bè là nơi trau dồi kiến thức
    – Trong một nhóm, mỗi thành viên thường có những điểm mạnh khác nhau. Do đó, sự xuất hiện của những quân sư “cực xịn” ở những khía cạnh khác nhau là điều không thể phủ nhận. Chính những quân sư ấy sẽ là nơi mà bạn có thể học hỏi và trao đổi mọi lúc mọi nơi.

Hãy để nhóm bạn trở thành điều ý nghĩa và nơi bạn có thể phát triển bằng cách:

  • Loại bỏ thói quen ỷ lại.
    – Bạn bè có thể giúp chúng ta một lần, hai lần thậm chí là nhiều lần nhưng điều này sẽ dần hình thành những rào cản vô hình trong mối quan hệ như sự khó chịu, bị lợi dụng. Vì thế, hãy biết chọn lọc những gì cần chia sẻ với nhau để xây dựng một tình bạn tuyệt vời và cũng là nơi rèn luyện bản thân ngày càng tốt hơn.
  • Hãy để bản thân trải nghiệm và học hỏi nhiều hơn.
    – Có một sự thật là khi đi làm, bạn sẽ không mãi chỉ làm việc với một nhóm “hoàn hảo” như thời sinh viên. Do đó, hãy cho bản thân cơ hội tiếp xúc với nhiều người hơn nữa, để có thể linh hoạt hơn trong những môi trường khác nhau sau này.
  • Đừng quá cả nể khi làm việc chung.
    – Hãy biết phân biệt rõ ràng giữa công việc và những thứ ngoài công việc. Vì qua tác phong làm việc sẽ thể hiện được thái độ và ý thức của chính bạn trước những đồng nghiệp, cộng sự hay sếp sau này đấy.
    Vì thế, khi làm việc chung hãy tạo cho nhóm một phong cách làm việc chuyên nghiệp như đúng giờ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ý thức đóng góp vào các vấn đề chung,… thay vì những suy nghĩ như trễ deadline vài phút cũng chẳng sao, làm ít thôi rồi cũng có đứa bổ sung, việc đó không phải của mình, đứa nào làm đứa đó chịu,…

Còn gì bằng, khi bạn bè có thể cùng nhau vừa phấn đấu phát triển bản thân vừa trải nghiệm những điều thú vị trong suốt thời sinh viên đầy hoài bão.

Có lẽ sẽ còn rất nhiều suy nghĩ mà chúng ta phải đau đầu bứt tóc. Theo bạn con những suy nghĩ nào? Hãy chia sẻ cho mọi người biết nhé! Và biết đâu suy nghĩ của bạn sẽ được lên sóng trong phần tiếp theo của bài viết.

Bạn có thể xem lại phần 2 của bài viết tại đây: 6 Suy Nghĩ Hầu Hết Sinh Viên Đều Trải Qua (Phần 2)

Biên tập: Ngoan Huỳnh – Cổng thông tin thực tập Internship.edu.vn



CÁC BÀI VIẾT THAM KHẢO

Ikigai – Bí Mật Của Người Nhật Giúp Giải Mã Sứ Mệnh Của Cuộc Đời Bạn

16 Nhóm Tính Cách – BẠN LÀ AI? (MBTI)

7 Bước Để Loại Bỏ Sự Trì Hoãn

10 Bài Trắc Nghiệm Miễn Phí – Khám Phá Bản Thân

Thang Tính Cách OCEAN – Ứng Dụng Trong Công Việc và Các Mối Quan Hệ