Dạo gần đây, bạn có rơi vào trường hợp bạn chăm chỉ học bài nhưng các kiến thức rơi vào lãng quên chỉ sau 2,3 ngày? Để cải thiện được tình trạng này, hãy đọc “7 bí kíp giúp sinh viên ghi nhớ hiệu quả hơn” theo từng hình dưới đây nhé.
Bí kíp 1: Học thông qua hình ảnh
Chúng ta thường dễ tiếp thu thông tin tốt hơn khi thông tin đó đi kèm hình ảnh và âm thanh. Ví dụ như khi đi học trên giảng đường, giảng viên thường kết hợp việc giảng bài và trình bày nội dung bằng powerpoint và sinh viên thì ghi chú bài vở bằng sơ đồ tư duy thay vì viết chi chít chữ vào vở. Qua những hình thức tiếp nhận thông tin đa giác quan, sinh viên có thể ghi nhớ dễ dàng những thông tin mới hơn.
Bí kíp 2: Học và ôn tập nhiều lần
Một trong những nguyên tắc để ghi nhớ thật tốt chính là liên tục gợi nhớ các thông tin. Thông thường, các thông tin trong trí óc của chúng ta sẽ “tạm biến mất” sau 1 tuần. Do đó, nếu chúng ta không tìm kiếm lại những mảng ký ức đó thì dần dà theo thời gian, chúng sẽ hoàn toàn rời khỏi tâm trí của chúng ta. Việc học cũng tương tự như vậy. Nếu bạn không thường xuyên ôn tập, xem lại các kiến thức thì sau một khoảng thời gian, bạn sẽ cảm thấy đó như là một thế giới xa lạ đối với mình.
Bí kíp 3: Đọc bài trước khi đến lớp
Ngoài việc ôn bài sau các buổi học thì bạn cũng nên có sự chuẩn bị trước khi bắt đầu lên lớp. Xem trước các bài học ở nhà chính là quá trình bạn tiếp nhận các kiến thức vào trong trí óc của mình và khi lên lớp, những bài giảng, lời giải thích của giảng viên chính là việc gợi nhớ lại các kiến thức cho bạn. Không những thế, khi đọc bài trước khi lên lớp, bạn sẽ có nhiều thời gian để tư duy và ghi ra những thắc mắc, băn khoăn của mình liên quan đến bài học. Điều này sẽ giúp bạn nhớ lâu hơn những kiến thức đó.
Bí kíp 4: Hãy là người đọc tích cực
Để tập trung cải thiện trí nhớ dài hạn thì khi đọc,, bạn nên làm nổi bật các ý chính bằng cách gạch chân, tô màu hoặc tóm tắt một đoạn văn bằng một vài cụm từ chính vào chỗ trống bên lề giấy của đoạn văn đó. Sử dụng màu sắc và hình ảnh, sơ đồ nổi bật sẽ giúp bạn gợi nhớ lại kiến thức và dễ dàng ghi nhớ nó trong thời gian dài hơn bạn nghĩ đấy. Vì vậy, thay vì “đọc để ngủ”, bạn hãy đọc với sự tích cực, chủ động.
Bí kíp 5: Ghi chú các công việc cần giải quyết
Nếu bạn thuộc tuýp người hay quên thì khi giải quyết nhiều vấn đề cùng một lúc hoặc các vấn đề khá phức tạp, thay vì cố gắng nhớ bạn nên ghi chúng ra giấy để dễ dàng theo dõi và cập nhật tiến độ công việc. Sau khi làm xong thì bạn có thể xóa chúng đi.
Bí kíp 6: Dùng những ký hiệu/từ khóa để ghi nhớ
Đối với các thông tin quá dài và phức tạp, hãy thay thế những dãy thông tin đó thành một cụm từ dễ hiểu, quen thuộc với bản thân mình. Các bạn có thể sử dụng một ký hiệu hay một từ khóa để diễn tả một cụm từ có ý nghĩa phức tạp hơn. Ví dụ, từ STAR trong kỹ thuật nói STAR là viết tắt của các từ Situation (Tình huống), Task (Công việc), Action (Phương pháp) và Result (Kết quả). Nhìn vào từ STAR, các bạn sẽ có thể dễ dàng nhớ đến 4 yếu tố quan trọng trong kỹ thuật nói đúng không nào?
Bí kíp 7: Xem lại bài học trước khi đi ngủ
Có thể bạn thấy kỳ lạ là tại sao nên ôn bài trước khi đi ngủ? Học trong khoảng thời gian này lại rất hữu hiệu đối với khả năng ghi nhớ của bạn đấy. Vì trước khi đi ngủ bạn sẽ không có những hoạt động khác cản trở việc ôn bài như ăn vặt, đánh răng, nghe nhạc… Khi đó, bạn sẽ được tập trung vào ôn tập và củng cố kiến thức đã được học mà không bị ngắt đoạn.
Các bạn cần phải luyện tập trong một khoảng thời gian nhất định và tập thói quen học tập tích cực trong khi học cũng như tiếp thu một kiến thức mới. Hãy kiên trì học theo 7 cách trên để ghi nhớ một cách hiệu quả hơn nhé.