Albert Einstein từng nói: “Nếu anh không thể giải thích một cách đơn giản thì anh chưa hiểu đủ rõ”. Điều này cũng sinh ra một lời khuyên đảo ngược: Nếu bạn muốn hiểu rõ điều gì, hãy cố gắng giải thích nó một cách đơn giản. Và một trong những phương pháp tốt nhất để tìm hiểu chi tiết bất kỳ vấn đề nào, đó là Kỹ Thuật Feynman – phương pháp giúp học và ôn tập nhanh chóng thông qua việc giải thích chúng bằng ngôn ngữ đơn giản và dễ hiểu.
Những lợi thế lớn mà việc sử dụng Kỹ thuật Feynman đem lại là:
-
- Giúp bạn hiểu sâu về bất cứ điều gì bạn đang học
-
- Cho phép bạn đưa ra quyết định sáng suốt và thông minh hơn
-
- Áp dụng kiến thức của bạn vào thực tế dễ dàng hơn
- Cải thiện kỹ năng trình bày vấn đề và tư duy phản biện
Để có thể áp dụng kỹ thuật Feynman hiệu quả cũng như phát huy những lợi thế ấy, hãy cùng Workingskill thực hiện lần lượt 3 các bước sau đây.
Bước 1: Chọn chủ đề bạn muốn tìm hiểu và bắt đầu học nó.
Hãy chuẩn bị một tờ giấy và viết về chủ đề nào đó bằng cách liệt kê những gì bạn biết về chủ đề như thể đang giải thích cho ai đó. Tốt nhất hãy viết và nói cùng lúc như thầy cô hay làm trên bục giảng.
Có thể, những nội dung liệt kê vẫn chưa thật sự đầy đủ và không có trình tự nhất định, nhưng điều này sẽ giúp bạn hình thành được cái nhìn tổng quát về các vấn đề tồn tại xung quanh chủ để bạn muốn tìm hiểu. Cũng như giúp bạn nhận ra phần nào mình đã hiểu phần nào đang bị hổng để có thể bổ sung kiến thức ngay lập tức.
Bước 2: Hãy giải thích bằng ngôn ngữ đơn giản mà ai cũng có thể hiểu được.
Với những nội dung đã được liệt kê bên trên, lúc này đây bạn hãy thử giải thích cho những người xung quanh bạn bằng ngôn ngữ đơn giản như thể bạn đang dạy cho một đứa trẻ. Nhớ là đừng chỉ dừng lại ở việc định nghĩa mà hãy thêm các ví dụ để minh họa sinh động, dễ hiểu hơn nhé.
Ví dụ : Khi giải thích internet là gì? Hãy tưởng tượng bạn đang giải thích cho một đứa trẻ chưa biết gì cả. Bắt đầu từ những câu hỏi như “Em có biết máy tính là gi không?” Nếu trẻ con có thể tưởng tượng cái máy tính ở nhà hay cái máy có keyboard ở trường, smartphone chẳng hạn thì tiếp đó có thể nói tới việc liên kết giữa các máy tính với nhau như việc gửi mail chẳng hạn. Nếu đối phương hiểu thì sẽ truyền đạt điều cuối cùng “ Internet là thứ kết nối giữa các máy tính khác nhau”. .
Bước này giúp bạn phát triển kỹ năng trình bày vấn đề và tư duy phản biện khá tốt. Tuy nhiên, để dễ dàng trao đổi, bình luận, bàn bạc hay giao tiếp, giải thích tốt với người khác về một vấn đề, bạn nên thường xuyên đọc nhiều sách, báo, tạp chí, tài liệu liên quan,… Điều này sẽ giúp bạn cải thiện và tích lũy vốn ngôn ngữ của mình.
Bước 3: Tổ chức lại và đơn giản hóa
Từ hai bước trên, nếu trong quá trình giải thích mà bạn nói quá dài dòng hoặc không biết giải thích như thế nào thì có lẽ bạn chưa hoàn toàn hiểu chủ đề mình đang nói. Bạn cần phải dành thêm thời gian kiểm tra lại kiến thức thông qua các tài liệu liên quan, sau đó lặp lại quá trình trên cho đến khi bạn có thể giải thích vấn đề một cách trơn tru bằng ngôn ngữ đơn giản nhất có thể.
Workingskills mong rằng qua bài viết trên, bạn sẽ biết cách tìm hiểu chuyên sâu các vấn đề cũng như có thể trả lời câu hỏi “Liệu mình đã học đủ tốt hay chưa?” trước những kỳ thi quan trọng. Hơn thế, 3 bước đơn giản của Phương pháp Feynman cũng chính là hành trang không thể thiếu để bạn chinh phục khối kiến thức khổng lồ phía trước.
Biên tập: Ngoan Huỳnh – Cổng thông tin thực tập Internship.edu.vn