Bill Gates Luôn Tự Học Điều Mới Mỗi Ngày Nhưng Học Thế Nào Mới Hiệu Quả?

Dù bỏ dở sự nghiệp học hành ở Harvard hồi những năm 1970 để thành lập Microsoft, Bill Gates chưa bao giờ ngừng học hỏi mỗi ngày. Từ đó, có thể thấy việc nâng cao kiến thức mỗi ngày là không thể thiếu. Vậy làm sao để thực hiện điều đó một cách hiệu quả cũng như đem lại những thành quả vô giá mà không làm bạn nhanh nản chí. Hãy cùng Workingskills khám phá ngay 3 nguyên tắc vàng sau đây nhé.

1. Học từng thứ trong một thời gian nhất định

Bạn hãy tập trung tìm hiểu từng ý tưởng, sau đó tích hợp các ý tưởng lại với nhau để giải quyết một vấn đề cuối cùng thay vì cố gắng nhồi nhét tất cả mọi thứ vô đầu vào cùng một thời điểm. Hãy nhớ rằng, “học một điều mỗi ngày”, đừng cố chèn ép bản thân phải học thật nhiều thứ chỉ trong vỏn vẹn một ngày.

  • Bộ nhớ làm việc của não có giới hạn

Não chúng ta có khoảng 86 tỷ tế bào thần kinh và bộ nhớ dài hạn của chúng ta dường như là vô hạn, nhưng sự thật là lượng thông tin mà bạn có thể đưa vào bộ nhớ lại ít hơn nhiều so với những gì bạn mong đợi (Theo các nghiên cứu của Broaadbent năm 1975, Baddeley năm 1994 và Cowen năm 2001).

  • Thực hiện một hoạt động tại một thời điểm. Tránh đa nhiệm

Một thí nghiệm phân loại thẻ Wisconsin đã nhận định rằng “Chúng ta không thể đa nhiệm trong khi học một thứ gì đó mới”. Cụ thể như sau, khi bạn cố gắng học nhiều hơn một thứ tại một thời điểm thì điều này sẽ dẫn đến phản tác dụng như bạn sẽ mau quên, kiến thức lẫn lộn, không thể tập trung hoàn toàn,…Thay vào đó, khi bạn cố gắng học từng thứ một thì hiệu quả ghi nhớ sẽ lâu hơn và việc hiểu sâu về vấn đề đó cũng tốt hơn.

Để làm được điều này bạn hãy bắt đầu học một điều trước, sau đó nghỉ ngơi, rồi học điều tiếp theo và sau cùng sẽ tóm tắt lại tất cả những gì mình học được. Nếu bạn thấy quá tải, hãy chia nhỏ những công việc ấy thành các bước nhỏ hơn và tiếp tục thực hiện theo quy trình trên.

Một trong những phương pháp khá hiệu quả mà bạn có thể áp dụng trong nguyên tắc này chính là: Phương Pháp Pomodoro.

2. Xác định nền tảng kiến thức đã có

Nếu bạn không có cái nhìn tổng quát về điều mình đang tìm hiểu thì bạn sẽ rất dễ rơi vào tình trạng chán nản, mơ hồ, thiếu động lực khi gặp phải những khối kiến thức quá khổng lồ. Vì thế, nguyên tắc này sẽ giúp bạn biết cách nên tập trung vào điều gì để đạt được hiệu quả học tập tối đa.

  • Tập trung vào các lĩnh vực còn yếu

Có một câu nói từ Binh Pháp Tôn Tử mà chắc hẳn ai cũng đã nghe qua, đó là “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Việc tìm hiểu một vấn đề mới cũng như vậy. Nếu bạn xác định được điểm mạnh và điểm yếu hiện tại của chính mình thì bạn mới có thể tập trung đúng chỗ, đánh đúng nơi và sử dụng thời gian một cách hiệu quả.

Điều này giống như khi bạn học piano nhưng không biết cách đọc bản nhạc thì chặng đường phía trước ắt hẳn đầy gian nan. Thay vào đó, nếu bạn biết đánh giá kiến thức của bản thân trước, bạn sẽ biết mình không đọc được bản nhạc, từ đó bạn sẽ tập trung vào tìm hiểu cách đọc bản nhạc trước khi đánh đàn.

Vì thế, trước khi bắt đầu tìm hiểu một vấn đề nào đó, bạn hãy học cách xác định điều mà mình còn yếu hoặc thiếu và xây dựng nền tảng cho những điều đó trước nhé.

  • Kết nối thông tin kiến thức mới với kiến thức hiện có

Trong bảng xếp hạng các yếu tố tác động đến việc học tập của Hattie thì kiến thức có sẳn chiếm một vị trí khá lớn trong quá trình tìm hiểu những điều mới. Do đó, trước khi học một điều mới, bạn hãy bắt đầu bằng cách xem xét thông tin mà bạn đã biết. Chính bằng cách này, bạn sẽ có cơ hội khơi gợi lại những kiến thức cũ, cũng như vận dụng chúng trở thành một thế mạnh trong quá trình tìm hiểu một kiến thức mới.

Ví dụ, bạn đang chuẩn bị học phép cộng phân số thì hãy xem xét và ôn lại các kiến thức hiện có của mình như tối giản phân số, quy đồng mẫu số. Đây chính là những công cụ giúp bạn tiếp cận kiến thức cộng phân số hiệu quả và nhanh hơn.

3. Xây dựng hệ thống tổng thể

Nguyên tắc này sẽ giúp bạn hình thành một bản đồ tổng thể để tìm hiểu một vấn đề. Để làm được điều này bạn hãy cùng Working skills điểm danh qua những điều sau đây nhé.

  • Hình thành cách nhìn tổng quát

Trước khi tìm hiểu bất cứ thứ gì bạn hãy bắt đầu tìm hiểu những yếu tố liên quan và cấu thành vấn đề đó. Ví dụ như: khi bạn muốn đọc một cuốn sách hãy xem mục lục trước để biết nội dung chính quyển sách nói về điều gì; hay khi bạn muôn tìm hiểu một môn học mới hãy bắt đầu xác định những vấn đề chính hình thành nên môn học đấy (môn học gồm bao nhiêu chương, các chương nói đến vấn đề gì).

Việc tìm hiểu tổng quát như vậy, giúp bạn chủ động hơn trong quá trình chuẩn bị và tìm hiểu một chi tiết, cụ thể hơn thay vì bám víu với tư tưởng “Đến đâu hay đến đó” rồi lại không biết bản thân đang ở đâu, lênh đênh nơi nào hay không biết đã tìm hiểu đủ hay chưa.

  • Sắp xếp mức độ ưu tiên

Trước một danh sách dài ngoằng như trên, một vấn đề đặt ra cho chúng ta chính là “Không biết bắt đầu từ đâu”. Vì thế, nguyên tắc này sẽ giúp bạn giải quyết điều đó bằng cách sắp xếp những điều bạn vừa tích góp từ bên trên thành một kế hoạch quản lý thời gian rõ ràng và giúp bạn bám sát mục tiêu tốt hơn.

Để làm được điều trên, bạn hãy xác định những vấn đề quan trọng nhất trong danh sách và viết lại những việc đó lên hàng đầu. Tuy nhiên, nếu mọi việc đều quan trọng như nhau và đều cần thiết, bạn không cần sắp xếp thứ tự mà hãy bắt đầu làm từng việc theo thứ tự bảng chữ cái hoặc chọn ngẫu nhiên.

Và điều cuối cùng, khi bắt đầu tìm hiểu một vấn đề nào đó hãy nhớ rằng tránh đa nhiệm và bản thân mình đã có nền tảng gì để hiểu thật sâu, học thật hiệu quả.

Học một điều mới mỗi ngày như Bill Gates không hề khó nếu bạn biết cách. Workingskills đã gửi đến bạn những bước cơ bản nhất để học điều mới một cách hiệu quả. Vậy nên, đừng ngại ngần khám phá khối kiến thức khổng lồ ngoài kia mỗi ngày bạn nhé.

Biên tập: Ngoan Huỳnh – Cổng thông tin thực tập Internship.edu.vn