[Góc chuyên gia chia sẻ] Cách Viết Một CV Hoàn Chỉnh

Trong bài viết trước, tôi đã hướng dẫn các bạn về việc phân loại các dạng CV và cách áp dụng chúng theo từng hoàn cảnh. Hôm nay, chúng ta sẽ đi vào cụ thể hơn về hình thức cơ bản cần có của một CV dạng kết hợp! Tôi sẽ liệt kê các mục cần có trong một CV theo thứ tự từ trên xuống để các bạn dễ hình dung hơn, gồm có các mục như sau:

Đầu trang

Đây là nơi bạn liệt kê các thông tin liên lạc cơ bản như email, số điện thoại, địa chỉ và thêm vào hình ảnh của bản thân. Ở đây bạn lưu ý là hình ảnh cần thể hiện sự chuyên nghiệp bạn nhé.

Mục tiêu hoặc định hướng nghề nghiệp

Tiếp đến, hãy chia sẻ về mục tiêu hay định hướng nghề nghiệp của bạn trong tương lai 1 – 3 năm tới (nếu là sinh viên) và 3 – 5 năm tới (nếu đã tốt nghiệp). Phần mục tiêu nghề nghiệp chỉ cần có độ dài 2 – 3 câu là đủ. Điều quan trọng là bạn phải thể hiện được mục tiêu hay định hướng nghề nghiệp của mình phù hợp với vị trí, công ty mà bạn đang ứng tuyển.

Học vấn

Ở phần học vấn, đơn giản, bạn chỉ cần liệt kê thời gian học, tên trường, ngành học và kết quả học tập (nếu có). Ví dụ, 2018 – 2022: Trường Đại học Kinh tế TP. HCM – Ngành Quản trị kinh doanh – GPA: 3.99/4.0

Kinh nghiệm việc làm

Liệt kê các kinh nghiệm làm việc theo thứ tự thời gian. Cụ thể đối với mỗi vị trí nên bao gồm khoảng thời gian làm việc tại công ty, tên công ty và trách nhiệm/thành tích đạt được trong quá trình làm việc. Mỗi ý được liệt kê theo định dạng dấu đầu dòng. Ở phần này, các bạn nên áp dụng kỹ thuật nói STAR mà tôi đã nhắc ở các bài viết trước.

Kỹ năng

Bao gồm các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm. Lưu ý rằng thay vì bạn chỉ nói chung chung bạn có kỹ năng này hay kỹ năng kia thì hãy kèm theo các minh chứng. Các minh chứng đó có thể là những chứng chỉ, bằng cấp, chứng nhận hay chia sẻ cụ thể hơn về kết quả, thành tích bạn có được với kỹ năng đó. Ví dụ, tôi có kỹ năng đọc sách với khả năng đọc 3 quyển sách/tháng.

Các mục tự chọn khác

Trong trường hợp bạn thấy CV mình khá khô khan và chưa có nhiều thông tin sau khi đã viết phần kinh nghiệm làm việc và phần kỹ năng thì bạn có thể cân nhắc thêm vào một số mục khác như sở thích, ngôn ngữ, hoạt động tình nguyện… Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, khi đã thêm những nội dung này vào CV, bạn cần đảm bảo chúng thể hiện hay làm nổi bật một kỹ năng, năng lực nào đó phù hợp với công việc mà bạn ứng tuyển. Điều này sẽ giúp tạo điểm cộng trong CV của bạn.

Chúc bạn thành công!

Phạm Duy – Giám đốc điều hành công ty Talent Mind Education

Hơn 10 năm kinh nghiệm tư vấn, triển khai các chương trình tuyển dụng, phát triển quản trị viên tài năng cho các tập đoàn như Unilever, Nike, Frieslandcampina, P&G, Pepsico, Samsung, Lotte Mart, Sacombank, ACB, VPBank,…