Cử nhân kinh tế có bằng tiểu thương Chợ Lớn?

Đâu là nguyên nhân khiến tiểu thương Chợ Lớn được đánh giá cao hơn cả những người cầm trong tay tấm bằng Thạc sỹ, Cử nhân kinh tế?

Tiểu thương Chợ Lớn vs. Cử nhân kinh tế

Người Hoa sau khi chạy để tránh chiến tranh Tây Sơn – Nguyễn Ánh (năm 1778) từ Biên Hòa, Mỹ Tho, Hà Tiên… về Sài Gòn lập ra Chợ Lớn. Khu vực Chợ Lớn bao gồm quận 5, quận 6, quận 10 và quận 11. Nhưng tại quận 5 vẫn tập trung đông người Hoa nhất, trên các con đường như: Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Hải Thượng Lãn Ông,…

Nơi này trở thành một khu trung tâm thương mại lớn và sầm uất bật nhất của người Hoa ở Việt Nam. Nếu nói không ngoa hầu hết các mặt hàng buôn bán đều được tiểu thương mua từ khu vực Chợ Lớn.

Để ý sẽ thấy, cách làm của người Hoa tại đây thì các cử nhân kinh tế có lẽ còn phải học nhiều.

1. Nắm rõ địa thế kinh doanh

Việc người Hoa luôn chọn vị trí, xem phong thủy đã được nhiều người biết tới. Tiếp theo là họ luôn quan sát rất kỹ để tìm địa thế phù hợp với mặt hàng buôn bán, cũng như xem xét nét tương đồng giữa các hàng quán bên cạnh so với mặt hàng của mình. Chính vì thế, dễ dàng nhận thấy phía bên trái Chợ Bình Tây đầu đường thì bán các nguyên liệu làm trà sữa, phía đối diện lại là các mặt hàng hỗ trợ như: ly nhựa, ống hút,… rất hợp lý và tiện dụng.

Còn một cử nhân kinh tế, thông thường chọn địa thế ra sao? Rẻ, rẻ và rẻ. Chỗ nào đắt là co vòi ngay lập tức, dù đó mới là chỗ ra tiền. Không đủ tiền, họ khó có thể kết hợp với nhau mà làm như những tiểu thương Chợ Lớn.

2. Rẻ mua, quý bán

Nếu nói thẳng ra đây là hiện tượng “đầu cơ” trong kinh doanh nhưng nó dường như đã trở thành điều không thể thiếu. Còn nhớ đã có thời gian giá café trở thành một cơn sốt trên thị trường. Vào những ngày đầu cơn bão giá cử nhân kinh tế Minh Phong nhận thấy giá mua bán xuất hiện chênh lệch lớn nên đẩy mạnh kinh doanh. Nhưng lấy hàng bao nhiêu anh bán hết bấy nhiêu khiến nguồn lợi thu được không cao.

Trong khi các tiểu thương ở Chợ Lớn ngày nay vẫn giữ thói quen tích trữ nhiều và thường thông báo hết hàng. Để rồi, vài tháng sau thị trường biến động mạnh các tiểu thương bán hết lượng hàng tích trữ thu được lời rất lớn.

3. Chăm chút số lượng

Phương Thuỳ tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương nhưng lại rất máu kinh doanh, cô mở một tiệm bán dụng cụ học sinh ở Quận 9. Dù địa thế khá thuận lợi khi ở gần khu dân cư đông đúc nhưng với mỗi món hàng giá ở cửa hàng của Thuỳ thường mắc hơn chỗ khác từ 500 – 1000 đồng. Cô nghĩ với vị trí thuận lợi tội gì không bán mắc hơn một chút? Thế nhưng sau một thời gian lượng khách hàng không tăng và những người khách cũ gần như không quay trở lại.

Cũng cùng mặt hàng này các tiểu thương chợ Lớn thường bán giá rất rẻ, thậm chí là sát với giá gốc. Đơn giản là vì họ chăm chút cho “số lượng”, để cạnh tranh “triệt để” họ sẵn sàng đưa ra một mức giá không tưởng nhằm thu hút khách hàng, thậm chí là giá gốc để tiêu diệt bớt đối thủ cạnh tranh.

4. Thu hút sự chú ý

Cầm trong tay bằng Thạc sỹ quản trị kinh doanh Thuỳ An tự tin mở một tiệm trà sữa lớn. Quán nằm cạnh cửa hàng của cô thuộc một tiểu thương ở Chợ Lớn. Dù quán lớn và thức uống ngon hơn, với nguyên liệu nhập từ Thái Lan nhưng khách quán bên cạnh vẫn đông hơn hẳn. Đơn giản bởi vì An quá chăm chút vào chất lượng nhưng lại không hề chú ý đến việc trang hoàng quán. Tường quán An quét vôi sơ sài, ngoài bảng hiệu trà sữa quán cô không có gì nổi bật. Thậm chí, ly tách cũng mang kiểu dáng bình dân với chất liệu nhựa có thể tìm thấy ở hầu hết các chợ.

Trong khi quán bên cạnh trang hoàng lộng lẫy, ly tách mang phong cách riêng và còn có trưng tủ bán thêm các món ăn chơi như: bò bía, cá viên chiên,… Dịp lễ tết hay ra mắt mặt hàng mới, trong khi bên An vẫn như thường, bên kia thuê hẳn đội múa lân để hoạt náo.

5. Hành động nhanh nhạy

Khi phong trào chơi bài Magic ăn theo truyện Yu-gi-oh nở rộ nhiều tiểu thương Chợ Lớn lập tức ngưng hẳn các hoạt động buôn bán thông thường để nhập mặt hàng này về.

Trong mùa kinh doanh như thế, chẳng thấy cử nhân kinh tế nào dám tham gia. Họ còn mải theo đuổi những ý tưởng triệu đô.

6. Đang yên, nghĩ lúc nguy khó

Buôn bán mặt hàng đồ chơi Trung Quốc thậm chí còn mang đến cho Thanh Hà thu nhập cao hơn khi cô làm kế toán cho công ty tư nhân. Vì muốn lời nhiều nên cô không nhập đồ chơi của các nước khác. Khi phong trào tẩy chay đồ chơi Trung Quốc xuất hiện vì gây hại cho trẻ em, Thanh Hà mới giật mình vì còn hàng loạt hàng tồn trong kho.

Cũng kinh doanh mặt hàng tương tự nhưng các tiểu thương ở chợ Bình Tây lại có nhiều mặt hàng với xuất xứ khác nhau để khách lựa chọn. Họ cũng dự trù trước những mặt hàng sẽ bị thất sủng hay được ưa thích thông qua cách làm bảng thống kê những mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong tháng. Do đó, họ dễ dàng thoát được sự ảnh hưởng của nhiều đợt biến động của thị trường.

7. Chọn đúng người, coi chữ tín làm trọng

Với cửa hiệu sách khá khang trang trên đường Võ Văn Tần, giảng viên kinh tế Phong Vũ có rất nhiều mối làm ăn khác nhau, thậm chí với nhiều tiểu thương ở Chợ Lớn. Tuy nhiên, do lượng hàng quá lớn cuối năm rất nhiều nơi đòi nợ Vũ các sách đã kí gửi ở cửa hàng từ trước, khiến nhiều lần anh phải khất nợ. Kinh tế khó khăn thời điểm hiện tại khiến khả năng thanh toán của Vũ càng bị đình trệ, các mối quan trọng dần rời bỏ anh.

Còn các tiểu thương người ở Chợ Lớn tuy buôn bán với quy mô nhỏ hơn nhưng luôn chú trọng chữ tín, rất ít khi trả nợ sai hẹn. Do đó, các mối làm ăn của Vũ dần dần chuyển sang buôn bán với các tiểu thương người Hoa ngày càng nhiều hơn.

8. Lúc nào cũng cười và thái độ dễ chịu với khách

Chị Thanh Hường vào mua khô bò làm lương khô đi du lịch cho cả nhà ở một tiệm tạp hóa gần nhà. Đến cửa hàng mân mê lựa chọn và hỏi han chủ cửa hàng vài câu, đại loại như: nguồn gốc xuất xứ có đảm bảo không, có bao nhiêu loại khô bò, thời hạn sử dụng trong bao lâu,…

Rồi đề nghị chủ cửa hàng mở hộp để thử các loại khô bò viên, sợi, miếng. Thế nhưng chủ cửa hàng lại tỏ ra gắt gỏng và yêu cầu chị đi chỗ khác mua. Tức mình chị ra chợ Bình Tây mua thì thấy thái độ người bán khác hẳn, niềm nở, nhiệt tình,… và chẳng bao giờ cáu gắt với khách.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự anh Ngọc Dương ra cửa hiệu Bitis trên đường Lê Lợi mua giày. Do chân hơi lớn nên khi thử anh chỉ hợp với số 44, nhờ nhân viên tìm giúp thì cả cửa hàng chỉ còn hai mẫu có số này.

Ngán ngẩm anh chạy xe vào chợ Bình Tây, ghé quầy giày dép nào cũng có nhiều kích cỡ, mẫu mã hơn hẳn để lựa chọn. Điều khiến anh cảm thấy hợp lý là cùng một kiểu dáng nhưng chủ cửa hàng luôn xếp hai, ba chiếc với số đo cách nhau một chút như: 32 – 37 – 41 để khách hàng có thể nhắm chừng kích cỡ. Giúp việc mua bán trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Thật sự, tiểu thương người Hoa ở Chợ Lớn không học hành cao. Tuy nhiên, với tư duy của một người làm kinh doanh nếu bạn biết cách tiếp cận và học hỏi họ thì hiệu quả xem ra không kém gì những tấm bằng đại học, thạc sỹ kinh tế.

Theo Nhịp cầu đầu tư