Khi nói chuyện với một ai đó, ngoài việc chú ý lắng nghe nội dung người nói đang truyền tải, bạn chắc chắn sẽ phải để ý đến cách họ di chuyển, điệu bộ, biểu cảm trên gương mặt…đúng không nào? Tuy nhiên, đôi khi những gì bạn thấy chưa chắc thể hiện đúng thông điệp mà người nói muốn truyền tải đến bạn. Hôm nay tôi sẽ chia sẻ về 4 biểu hiện của ngôn ngữ cơ thể thường bị hiểu nhầm trong quá trình giao tiếp mà bạn cần lưu ý. Hãy xem chi tiết 4 biểu hiện dưới đây nhé.
1. Tư thế không đúng cách
Một tư thế, dáng điệu không bình thường sẽ dễ dẫn đến những định kiến hoặc nhận xét tiêu cực đối với người thực hiện hành động đó. Ví dụ, những tư thế khép nép sẽ được hiểu là bạn đang thiếu tự tin, lo lắng nhưng thực ra có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc một người có tư thế như thế này. Đó có thể là do người đó đang bị chấn thương, bệnh tật hoặc chỉ vì người đó không chịu được thời tiết lạnh hay nhiệt độ lạnh trong phòng.
Nếu bạn thấy đối phương có những tư thế, dáng đứng, dáng đi không như bình thường thì khoan vội kết luận về họ. Hãy dành thêm thời gian để quan sát những cử chỉ, điệu bộ khác của họ cũng như thói quen trong hành động của họ. Điều này sẽ giúp bạn nhận thấy thông điệp thật sự họ đang muốn truyền tải.
2. Không gian cá nhân
Không gian cá nhân được xem như là một yếu tố nhạy cảm khi giao tiếp với người khác (đặc biệt là khi đó là người bạn mới gặp lần đầu tiên). Vì thế, khi giao tiếp với một ai đó, bạn nên duy trì khoảng cách phù hợp và có sự điều chỉnh khoảng cách nếu cần thiết nhé. Bạn có thể nhận biết mình có đang xâm phạm không gian cá nhân của một ai đó khi họ có biểu hiện nhăn mặt hoặc không thoải mái. Đôi khi, chúng ta lại không ý thức về điều này và đứng hay ngồi quá gần đối phương, khiến họ cảm thấy khó chịu. Lúc đó, chúng ta cho rằng họ không thích mình thì có vẻ như là chưa phù hợp, đúng không nào?
3. Di chuyển nhanh, vội vàng
Hành động vội vàng, hấp tấp thường được cho là dấu hiệu của sự lo lắng. Nhưng bạn cũng cần xem xét lại xem hành động đó có thể được ngầm hiểu theo ý nghĩa khác không. Khi bạn thấy một ai đó có chuyển động nhanh và liên tục, lý do có thể là họ đang căng thẳng, bị bệnh, mệt mỏi hoặc đơn giản chỉ là họ muốn di chuyển nhanh để làm ấm người. Vì vậy, đừng vội kết luận rằng một ai đó đang lo lắng khi chưa quan sát kỹ nhé.
4. Hối hả, bồn chồn
Chúng ta có cảm giác bồn chồn ở bất cứ lúc nào và bất cứ đâu. Bạn có thể thấy một người bạn bồn chồn vì đang trong một buổi phỏng vấn hoặc một buổi họp mặt căng thẳng nào đó. Đây là cách mà con người chúng ta làm để giải tỏa cảm xúc hoặc tự an ủi bản thân. Ngoài các yếu tố khách quan thì các yếu tố chủ quan cũng cần được cân nhắc. Một số chứng bệnh như rối loạn thiếu chú ý, mất cân bằng hormone, mất cân bằng đường huyết hoặc do thuốc sẽ tạo cho con người cảm giác căng thẳng, bồn chồn.
Qua bài viết này, tôi hy vọng rằng khi tiếp xúc với một ai đó, bạn khoan vội phán xét hay đánh giá họ thông qua ngôn ngữ cơ thể, cử chỉ. Hãy quan sát thật kỹ lời nói kết hợp với nhóm “hành động” cùng với môi trường, không gian tại thời điểm giao tiếp. Điều này sẽ giúp bạn hiểu rõ họ hơn mà không dẫn đến những ngộ nhận, định kiến.
Phạm Duy – Giám đốc điều hành công ty Talent Mind Education
Hơn 10 năm kinh nghiệm tư vấn, triển khai các chương trình tuyển dụng, phát triển quản trị viên tài năng cho các tập đoàn như Unilever, Nike, Frieslandcampina, P&G, Pepsico, Samsung, Lotte Mart, Sacombank, ACB, VPBank,…
Bạn cải thiện kỹ năng giao tiếp của bản thân? Tham khảo tại đây: https://www.workingskills.net/product/ky-nang-giao-tiep-nang-cao/