Trong suốt khoảng thời gian tiếp xúc với các bạn sinh viên, tôi nhận thấy có một “lầm tưởng” phổ biến ở nhiều bạn. Đó là thể hiện bản thân một cách tự tin, đúng với con người mình trong buổi phỏng vấn là đủ, chứ không cần phải chuẩn bị trước đó. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng nếu như bạn đã có kỹ năng tham dự phỏng vấn “thượng thừa”. Nếu không, ngược lại, thì bạn sẽ là người bị động trong buổi phỏng vấn. Việc chuẩn bị luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nếu bạn muốn phỏng vấn thành công. Vậy chúng ta cần chuẩn bị gì? Dưới đây là những công việc mà theo tôi, bạn không thể bỏ qua trước khi bước vào phòng phỏng vấn với nhà tuyển dụng.
1. Tìm hiểu về đối phương
Các bạn hãy luôn ghi nhớ giúp tôi một điều sau đây: Buổi phỏng vấn giống như buổi hẹn hò đầu tiên của hai người chuẩn bị yêu nhau. Trong tình yêu, nếu bạn muốn có được trái tim của ai đó thì không thể nào “chỉ tay không bắt cướp” mà đến gặp họ, đúng không nào? Chắc chắn, bạn phải luôn tìm hiểu về người đó xem họ thích ăn gì, đi chơi ở đâu, xem phim gì, yêu màu gì và ghét người ra sao…Nếu như bạn có thể làm điều như vậy với người mình yêu thì tại sao không thể làm điều tương tự với công việc và công ty mà bạn ứng tuyển? Ứng tuyển vào một công ty nào đó và gắn bó với công ty cũng giống như chọn người yêu vậy. Càng hiểu rõ về đối phương, bạn sẽ càng dễ dàng trả lời được câu hỏi mình có thật sự hợp với họ và mình cần phải làm gì để chinh phục họ.
2. Hãy nghĩ xem đối phương muốn biết gì về bạn?
Tương tự như trên, chắc chắn bước vào buổi hẹn hò đầu tiên, đối phương cũng sẽ có những điều muốn tìm hiểu về bạn. Họ cũng sẽ quan tâm bạn là ai, tính tình bạn ra sao, công việc, học hành của bạn như thế nào. Vân vân và mây mây. Rất nhiều thứ khác nữa. Nhưng dù có là bao nhiêu câu hỏi đặt ra thì chắc chắn họ cũng sẽ tập trung xoay quanh việc tìm hiểu bạn có thật sự hợp với họ hay không. Vì thế, trước buổi phỏng vấn, bạn hãy thử nghĩ xem nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu gì về bạn và họ sẽ đặt ra cho bạn những câu hỏi nào. Nắm được nguyên tắc này, tôi tin chắc bạn sẽ có được một danh sách kha khá dài các câu trả lời cần chuẩn bị đấy.
3. Hiểu bản thân
Tiếp bước ý thứ 2, sau khi bạn đã xác định được những câu hỏi và mối quan tâm của nhà tuyển dụng về bạn rồi thì đây là lúc bạn nhìn lại mình. Hãy thử nghĩ xem có điểm nào mình chưa thật sự tốt, còn hạn chế hay có điều gì khiến bạn chưa tự tin? Những điều này tưởng chừng như đơn giản nhưng khi bước vào buổi phỏng vấn, bạn sẽ dễ dàng bộc lộ ra đấy. Lại lấy ví dụ về tình yêu, tôi tin rằng khi gặp người mà mình “thầm thương trộm nhớ”, có nhiều tình cảm trong lần gặp đầu tiên thì hầu như ai cũng sẽ cảm thấy bối rối, ngại ngùng. Khi đó, chúng ta luôn có xu hướng để “lộ” ra những khuyết điểm của bản thân. Vì thế, bạn hãy xác định những điểm này ngay từ đầu để xem mình có thể khắc phục hay hạn chế nó như thế nào trong buổi gặp mặt. Và nếu trong trường hợp bạn biết rằng mình không thể hạn chế nó thì hãy thẳng thắn chia sẻ, thừa nhận với nhà tuyển dụng, thay vì cố gắng che giấu bạn nhé. Vì thật thà luôn là một đức tính tốt.
Đến đây thì các bạn cũng học được kha khá những lưu ý cần thiết cho một buổi pho3g vấn diễn ra tốt đẹp phải không nè. Nếu bạn đang tìm việc hoặc đã được gọi mời phỏng vấn, còn ngần ngại chi mà không thực hành thử 3 điều trên. Và 2 “bí quyết” quan trọng còn lại xin được phép bật mí với các bạn vào ngày mai nhé.
Phạm Duy – Giám đốc điều hành công ty Talent Mind Education
Hơn 10 năm kinh nghiệm tư vấn, triển khai các chương trình tuyển dụng, phát triển quản trị viên tài năng cho các tập đoàn như Unilever, Nike, Frieslandcampina, P&G, Pepsico, Samsung, Lotte Mart, Sacombank, ACB, VPBank,…