Khi sinh viên đi thực tập nhận thức

 

Khi sinh viên đi thực tập nhận thức

AT – Sinh viên một số trường đại học đang “tận dụng” kỳ nghỉ hè trong năm để đi thực tập nhận thức tại các công ty, doanh nghiệp. Những “tiết học” từ môi trường thực tế này mang lại cho người trẻ những bài học quý giá không hề có trong sách vở.


Sinh viên Trường ĐH Hoa Sen tham gia tổ chức sự kiện của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận
trong kỳ thực tập nhận thức

Thường thì mỗi trường có những quy định riêng cho sinh viên trường mình về kỳ thực tập nhận thức. Nhưng thông thường nhất, kỳ thực tập nhận thức được dành cho sinh viên vừa hết năm 2. Thời gian này được xem như một “bước đệm” chuẩn bị năm học chuyên ngành ở năm 3.

“Lăn” vào thực tế

Giữa tháng 9-2011, nhóm sinh viên Huỳnh Ngọc Yến Nhi, Vũ Thùy Trang, Trần Ngọc Kinh Thanh, Trần Thị Minh Thùy (sinh viên ngành marketing, khoa kinh tế thương mại Trường ĐH Hoa Sen) sẽ kết thúc kỳ thực tập nhận thức tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (TP.HCM). Hơn một tháng trôi qua, như những nhân viên khác của công ty, mỗi ngày các bạn làm việc ở công ty từ 8g-17g. “Tụi mình phụ các anh chị nhân viên ở phòng marketing những việc như viết báo cáo, quản lý diễn đàn, phụ in thư mời, tổ chức những sự kiện, giới thiệu sản phẩm mới, quan hệ báo chí… Nói chung là tất cả những gì liên quan đến marketing” – Huỳnh Ngọc Yến Nhi tự tin kể về “công việc” hiện tại của nhóm ở công ty. Nơi thực tập này là do các bạn chủ động tự liên hệ nộp hồ sơ.

Trong khi đó, Vũ Tú Linh – sinh viên năm 2 Trường ĐH Hoa Sen – đã tạm hoãn dự định đi du lịch các tỉnh phía Bắc để tham gia thực tập nhận thức theo quy định của trường. Hiện Linh đang cộng tác cho Công ty Vinagame về những việc như duyệt các bài viết trên diễn đàn, làm việc cùng các nhóm. Mỗi ngày, cô sinh viên này “ra dáng” hẳn với bộ váy dành cho nhân viên văn phòng, vào công ty làm việc như những nhân viên khác của công ty. Đây là công ty thứ hai Linh xin vào làm việc vì muốn “trải nghiệm ở nhiều môi trường khác nhau”.

Đã tham gia thực tập nhận thức từ mùa hè năm trước nhưng “dư âm” của kỳ thực tập này vẫn còn đọng lại với Nguyễn Đình Thắng – sinh viên năm 3 Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Thi vào kinh tế nhưng cuối cùng lại “dính” ngành xây dựng nên tất cả khái niệm về ngành xây dựng với Thắng đều mới mẻ. Sau hai năm học đại cương, những ngành học đối với Thắng “cũng còn lơ mơ lắm”. Thắng kể ở khoa mình có ba kỳ thực tập: thực tập nhận thức (cuối năm 2), thực tập thi công (cuối năm 3) và thực tập tốt nghiệp. Kỳ thực tập nhận thức giảng viên đưa sinh viên đến các công trình xây dựng, xem các công việc tại đây, điều gì thắc mắc thì để các thầy giải đáp sau đó viết báo cáo về những điều mình suy nghĩ về ngành, nghề, công việc tương lai…

Những bài học ngoài sách vở

“Lúc mới vào công ty tụi em bỡ ngỡ lắm, không biết gì cả. Phải nhờ mấy anh chị chỉ bảo nhiều” – Yến Nhi cho biết. “Điều tụi em bất ngờ nhất và chưa nghĩ ra trước đó là làm marketing phải đọc… rất nhiều báo. Cắt dán cẩn thận những tin tức liên quan đến công ty để theo dõi hình ảnh của công ty”. Qua một tháng “lăn” vào môi trường thực tế, điều đọng lại trong mỗi nhóm bạn này là mình đã học được cách làm việc đúng giờ (8g-12g và 13g-17g), tuân thủ các nội quy, đi đứng, tác phong trong công ty và đã quen hơn với việc. Và ở đó còn có cả những cách xưng hô đôi lúc cũng làm các bạn khó xử như thưa “chú” hay “anh” với những người đứng tuổi.

Trong khi đó, sau hai tuần thực tập nhận thức, Vũ Tú Linh bảo mình “nhận thức” được nhiều điều. “Làm marketing là ước mơ của Linh từ nhỏ nên cũng đã tìm hiểu kỹ công việc trước đó. Chưa có kinh nghiệm nhiều nên lăn xả vào môi trường làm việc thấy điều gì cũng mới, cũng lạ nên học hỏi được nhiều điều. Chuyến thực tập giúp mình hiểu rõ hơn về môi trường làm việc mà mình sẽ gắn bó sau này” – Linh tâm sự. Để có thể làm việc tại công ty này, Linh phải tự thân vận động tất cả từ khâu tìm công ty, liên hệ, phỏng vấn xin việc. Linh cho biết đây cũng là một bước tích lũy sau này ra trường có thể đi xin việc tốt hơn.

Với Nguyễn Đình Thắng, kỳ thực tập nhận thức một điều quan trọng nhất bạn cảm nhận được là hiểu rõ về ngành nghề mình sẽ làm sau này. “Nghề kỹ sư xây dựng phải làm việc nhiều ngoài nắng mưa. Phải chấp nhận đi xa theo các công trình, phải thức đêm. Ngoài việc biết môi trường làm việc, thời gian này cũng giúp sinh viên xác định lại bản thân có phù hợp với ngành này hay không, có thật sự yêu thích và muốn gắn bó với ngành không” – Thắng chia sẻ. Hiện Thắng đang đi thực tập thi công, bạn cho rằng kỳ thực tập nhận thức còn có một ý nghĩa nữa là biết được các công việc cần những kiến thức gì để bổ sung trong năm học. “Kỳ thực tập nhận thức ngắn ngủi nhưng thật sự rất có ý nghĩa với sinh viên, nhưng quan trọng nhất là các bạn hiểu thêm về ngành mình đang theo học…”.

Tích lũy tối thiểu 320 giờ làm việc

Theo quy định của Trường ĐH Hoa Sen (ban hành năm 2008), thực tập nhận thức nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận môi trường làm việc thực tế tại cơ quan, doanh nghiệp để sinh viên tự trang bị thêm những kỹ năng, kiến thức từ thực tiễn tại doanh nghiệp từ việc tham gia các hoạt động xã hội, cộng đồng để tích lũy được kinh nghiệm, vốn sống thực tế. Áp dụng những kiến thức và kỹ năng đã học vào môi trường làm việc thực tế, vào việc tham gia thực hiện các dự án do trường/khoa tổ chức, tham gia các hoạt động xã hội, các hoạt động mang tính cộng đồng do trường phát động và hướng dẫn.

Theo quy định, trường công nhận sinh viên hoàn thành môn học thực tập nhận thức dưới hình thức tích lũy, nếu sinh viên đã tích lũy tối thiểu 320 giờ làm việc thực tế tại cơ quan, doanh nghiệp phù hợp với ngành học… Hiện sinh viên nhiều trường cũng tham gia thực tập nhận thức như Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Lạc Hồng, ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), ĐH Duy Tân, Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam… theo quy định của từng trường.

HÀ BÌNH

(Nguồn: Tuoitre.vn)