Kĩ Năng Lập Luận (Cơ Bản)

Vì sao học tranh biện là học tư duy?

Hầu hết những người học tranh biện đều nói về câu chuyện tư duy. Có người nói tranh biện thay đổi cách họ nhìn về con người và thế giới. Sang trọng hơn, người ta gọi đó là hiện tượng thế giới quan và nhân sinh quan phát triển. Điều này có thể đúng hoặc sai với tùy người. Tuy nhiên, về vấn đề này, tôi thường nhớ đến câu nói của Van Gogh: “Những điều lớn lao không được tạo nên bởi những bốc đồng, mà một chuỗi những điều nhỏ nhặt gom lại với nhau.” Nghĩ về những mục tiêu lớn lao mà mơ hồ nhiều khi chỉ khiến chúng ta bối rối mà không tiến được bước nào. Thiết nghĩ nếu như vậy, phải chăng chúng ta nên bắt đầu từ những mục tiêu gần gũi và thực tế hơn?“Những điều lớn lao không được tạo nên bởi những bốc đồng, mà một chuỗi những điều nhỏ nhặt gom lại với nhau.”

Trong trường hợp này, có lẽ mục tiêu thiết thực đầu tiên của việc học tranh biện là học cách hình thành ý tưởng cho bản thân và trình bày được những ý tưởng đó một cách hoàn thiện. Thực sự, nếu như học sinh, sinh viên nào cũng làm được điều “nhỏ bé” này, mọi chuyện cũng đã tốt lắm rồi. Nhưng làm thế nào để có được một bài nói hay bài viết mạch lạc mà, theo cách nói của người Nga, không bị “đầy nước”? Hay nói cách khác, làm thế nào để tránh một tác phẩm toàn các từ “đao to búa lớn”, dồn dập thông tin, nhưng khi mọi thứ trôi qua, không có gì đọng lại? Đó chính là bài học đầu tiên của tranh biện – kỹ năng lập luận, trái tim của tranh biện, nền móng đầu tiên cho khả năng sắp xếp và trình bày ý tưởng.

Trước khi chúng ta đi vào bài học cụ thể về lập luận, hãy thử đặt thêm một câu hỏi nữa: “Đến cuối cùng, vì sao chúng ta phải quan tâm đến kĩ năng lập luận?” Có lẽ mỗi người, với những vai trò khác nhau trong xã hội, sẽ có câu trả lời cho riêng mình. Riêng tôi, một người bắt đầu con đường tranh biện từ trên ghế nhà trường, đã có một trải nghiệm rất thú vị với việc áp dụng tranh biện trong việc học. Trong những buổi hội thảo đầu tiên về tranh biện, tôi thường chia sẻ rằng việc dạy và học hay bất kì một hoạt động tư duy nào thường gắn với việc giúp chúng ta hiểu ra bản chất của một sự việc hay hiện tượng nào đó. Tuy nhiên, bản chất của một thứ như một viên ngọc quý được bọc trong những tảng băng thông tin. Ai cũng có thể mang máng nhìn thấy nó, ai cũng có thể nói về nó, nhưng với các góc nhìn khác nhau, không phải ai cũng có thể nắm bắt được viên ngọc. Khả năng tư duy từ kỹ năng lập luận giúp người nói và người nghe hay người viết và người đọc tạo ra những luồng trao đổi thông tin, những nguồn lực tác động lên tảng băng thông tin từ nhiều phía, khiến nó bị vỡ ra, trả lại cho chúng ta viên ngọc giấu kín bên trong. Không phải ngẫu nhiên mà ở các nước phát triển, hệ thống các lớp học nhỏ, cùng hình thức thảo luận bàn tròn giữa giáo viên và học sinh, được áp dụng phổ biến. Nhưng để làm được mô hình đó thành công, bản thân người dạy và người học đều cần rèn luyện kỹ năng tư duy và lập luận, phục vụ cho công việc thảo luận. Nếu không, những cuộc trao đổi mang tính hình thức cũng chỉ kết thúc bằng việc đắp thêm những lớp băng thông tin mới.

Nguồn: i.ytimg.com

Vậy thế nào là lập luận?

Hiểu theo nghĩa rộng, lập luận là một ý kiến được củng cố và chứng minh bằng lý lẽ và/hoặc bằng chứng. (Lập luận cũng có thể là hoạt động, tiếng anh gọi là argumentation. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét khái niệm lập luận (argument) như một sản phẩm của hoạt động này.)

Ví dụ, “Con mèo này rất xinh.” chỉ là một ý kiến cá nhân. Nó chỉ trở thành một lập luận khi được đi cùng với lý lẽ hay dẫn chứng, ví dụ: “Con mèo này rất xinh vì mắt của nó xanh biếc, trong như một viên bi đắt tiền, rất đẹp.” Và tình cờ lúc này, chúng ta hiểu rõ hơn về bản chất tiêu chuẩn đánh giá vẻ đẹp loài mèo của người nói.

Còn trong phạm vi của tranh biện, chúng ta có kiến nghị, chủ đề tranh biện. Và lập luận chính là lý do vì sao người nói ủng hộ hoặc phản đối kiến nghị đó. Một lập luận sẽ bao gồm luận điểm, lí lẽ và/hoặc dẫn chứng.

Ví dụ, chúng ta có kiến nghị: “Nên sử dụng án tử hình.” Lập luận ở đây có thể là: “Án tử hình sẽ giúp xã hội an toàn hơn bởi nó răn đe các hành vi phạm tội nghiêm trọng.”

Nhưng thế nào là một lập luận tốt?

Thực chất, việc nghĩ ra ý tưởng và lập luận không khó. Thế nhưng, xây dựng được một lập luận tốt, thuyết phục để tăng chất lượng cuộc thảo luận thì lại không hề đơn giản. Đối với người mới bắt đầu học tranh biện, cần chú ý ba tiêu chí khi xây dựng lập luận: tính liên quan, tính đúng đắn, tính quan trọng.

Khi bạn có một ý tưởng, trước khi phát triển nó, hãy tự hỏi liệu ý tưởng này có liên quanđến kiến nghị hay giữa các phần của lập luận (luận điểm, lí lẽ và dẫn chứng) có liên quan đến nhau hay không? Hãy thử tưởng tượng trong một trận tranh biện về việc cấm hút thuốc lá, một đội chỉ bàn về tác hại của cấm hút thuốc phiện, người nghe chắc hẳn sẽ rất buồn.

Vì sao tôi lại bàn về vấn đề này? Chẳng phải trình bày các thông tin có tính liên quan là một việc hiển nhiên và ai cũng làm được hay sao? Có thể. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào trong đời sống thực tế, có rất nhiều cuộc “tranh luận” xảy ra, mà ở đó, chúng ta thấy các câu trả lời không liên quan gì đến câu hỏi, hay thông tin đưa ra từ hai phía chả liên quan gì đến nhau, hoặc tệ hơn, cuộc tranh luận chả nhằm giải quyết một vấn đề thực tế nào (mà đôi khi chúng ta hay bắt gặp ở những cuộc “phím chiến” giữa các “anh hùng” trên mạng) mà thực chất, nói theo ngôn ngữ của các bạn trẻ, chỉ đơn giản là “ghét cái thái độ”. Cho nên việc đầu tiên chúng ta cần học khi theo đuổi tranh biện, đó là học cách tránh và bước ra các cuộc tranh luận vô nghĩa.

Nguồn: imgflip.com

Tiếp theo, sau khi đã chắc chắn mọi thứ đã liên quan tới nhau, trong quá trình lập luận, hãy cố gắng chứng minh được vì sao luận điểm đưa ra là (a) đúng đắn và (b) quan trọng. Cụ thể hơn, mỗi khi bạn đưa ra một nhận định nào đó, hãy giải thích và chứng minh nó. Và mỗi khi bạn chứng minh rằng sẽ có một hệ quả nào đó xảy ra, hãy chỉ ra vì sao hệ quả đó lại quan trọng.

Vậy làm thế nào để có một lập luận tốt?

Một công thức có lẽ đã quá phổ biến trong thời điểm hiện tại: C-R-E-T. Tuy nhiên, để tránh khỏi những tranh cãi không đáng có xung quanh chữ “T” mà nhiều giảng viên tranh biện hiện tại vẫn chưa đồng ý được với nhau, trong bài này, tôi sẽ sử dụng một công thức khác, về bản chất cũng tương tự như C-R-E-T, nhưng “thực dụng” hơn ở bộ phận cuối: S-E-X-I. Với công thức này, chúng ta có thể chủ động thể hiện được tính đúng đắn và tính quan trọng của luận điểm.

Luận điểm (Statement)

Về bản chất, luận điểm là những lý do lớn để ủng hộ hoặc phản đối kiến nghị. Một luận điểm cần thể hiện kết luận, ý chính cũng như các khái niệm hay các nguyên tắc đánh giá của kết luận đó. Mặt khác, trọng tài và người nghe thường bám theo bài nói nhờ các ý chính, nên luận điểm cần được trình bày dễ hiểu và dễ nhớ. Vì vậy, một luận điểm tốt là luận điểm được trình bày vừa cụ thể vừa súc tích.

Ví dụ, trong kiến nghị kinh điển “Nên có án phạt tử hình trong luật hình sự.” Các bạn mới tham gia thường đưa ra các luận điểm khá mơ hồ, như: “Án tử hình có lợi cho xã hội.” hay “Án tử hình giúp xã hội an toàn hơn.” Sau đó, khi theo dõi một hồi, người nghe mới nhận ra được các bạn cho rằng án tử hình sẽ có tác động lớn lên nhóm các hành vi tội phạm nghiêm trọng như giết người, hiếp dâm. Như vậy, luận điểm ban đầu là khá chung chung, không truyền tải được ý kiến của người nói một cách hiệu quả.

Một lỗi thường gặp nữa là các bạn thường nhầm lẫn luận điểm với lý lẽ. Ví dụ, cùng với đề này, một số bạn đưa ra luận điểm là “Tội phạm tiềm năng sẽ sợ án tử hình.” Ở luận điểm này, chúng ta không rõ được kết luận của cả lập luận, tội phạm tiềm năng sẽ sợ án tử hình thì sao? Họ sẽ thực hiện các hành vi phạm tội một cách khéo léo hơn? Hay họ sẽ không thực hiện hành vi đó? Hai kết luận này hoàn toàn trái ngược nhau về kết quả. Để kiểm tra xem luận điểm của bạn đã thể hiện được kết luận đúng hướng hay chưa, các bạn có thể sử dụng phép thử “Kiến nghị + vì + luận điểm”. (Trong trường hợp này sẽ là “Nên áp dụng án tử hình trong luật hình sự + vì + tội phạm tiềm năng sẽ sợ án tử hình”) Nếu bạn nghe thấy chưa hợp lí, hãy đặt tiếp câu hỏi “Thì sao? Để làm gì?” ngay sau ý tưởng bạn vừa nghĩ ra. (“Tội phạm tiềm năng sẽ sợ án tử hình. Thì sao?)

Trong cả hai trường hợp trên, nếu được xử lí tốt, các bạn sẽ có một phương án tốt hơn: Án tử hình giúp răn đe và ngăn chặn các tội ác nguy hiểm.

Lý lẽ (Explanation)

Lý lẽ sẽ là phần bạn thực hiện hai nhiệm vụ: giải thích và chứng minh. Nhiệm vụ chính của nó là để chứng minh vì sao luận điểm (statement) đưa ra lại đúng.

Trong phần lý lẽ, các thông tin nền (background materials) liên quan và ảnh hưởng đến quá trình chứng minh luận điểm hay các khái niệm và hiện tượng còn mơ hồ cần được làm rõ. Lời khuyên ở đây là bạn hãy tưởng tượng người nghe như một đứa trẻ ba tuổi. Bạn không nên có giả định là người nghe chắc chắn sẽ “đoán” được và tự hiểu được ý tưởng của bạn.

Ngoài ra, phần lý lẽ cũng cần chứng minh được các tiền đề (premises) cho kết luận trong luận điểm, hay nói dễ hiểu hơn, các lý do để luận điểm đúng cần được chứng minh một cách cụ thể, các bước logic trong suy luận cần được làm rõ. Ở đây, bạn có thể áp dụng phương pháp đặt câu hỏi “Vì sao?” liên tục cho các ý kiến của mình đến khi bạn có được các lý do gần như là hiển nhiên đúng. (Xem phụ lục)

Dẫn chứng (eXample)

Đây là phần lập luận nơi bạn cung cấp băng chứng và ví dụ thực tế để củng cố thêm luận điểm. Nó giúp thuyết phục người nghe rằng những gì bạn đang nói có khả năng cao sẽ xảy ra trong thực tế.

Các bạn mới học tranh biện thường hỏi tôi, các loại dẫn chứng nào là hiệu quả. Trên thực tế, có rất nhiều các loại dẫn chứng. Các bạn hoàn toàn có thể tìm thêm các sách về lập luận để tìm hiểu thêm. Tuy nhiên, với giới hạn của bài viết (vốn đã rất dài tới thời điểm này), tôi chỉ xin giới thiệu các loại dẫn chứng phổ biến trong tranh biện như sau:

  • Số liệu, thống kê (data, statistics)

Với loại dẫn chứng này, các bạn cần chú ý số liệu không thể tự chứng minh cho kết luận, nó cần được giải thích.

  • Các trường hợp hay tình huống thực tế (case study)

Với loại này, các bạn cần chỉ ra được mỗi liên quan giữa các tình huống trong dẫn chứng và tình huống đang diễn ra trong trận tranh biện. Một ví dụ điển hình là các bạn mới thường hay lấy các ví dụ của các đất nước phát triển và khẳng định Việt Nam cũng cần làm như vậy. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam rất khác biệt với các nước khác. Cho nên cùng một chính sách có thể dẫn đến các kết quả khác nhau ở các nơi khác nhau.

  • Một số xu hướng trong thực tế (trends, patterns)
  • Kết quả nghiên cứu khoa học (research)

Lưu ý: Trong thực tế, các bạn hoàn toàn có thể trình bày dẫn chứng trước và đưa ra lý lẽ để giải thích dẫn chứng cũng như để chứng minh luận điểm sau. Việc này hoàn toàn phụ thuộc vào phong cách cá nhân của người nói cũng như hoàn cảnh cụ thể. Điều quan trọng là khi đưa ra bất cứ nhận định nào, bạn cần có thói quen giải thích, chứng minh và đưa ra dẫn chứng cho nó.

Tầm quan trọng (Impact)

Ở phần này, bạn cần chỉ ra lập luận của bạn liên quan tới trọng tâm của trận tranh biện như thế nào, hay giả sử như lập luận của bạn đúng, vì sao chúng ta lại phải “quan tâm đến vấn đề này” mà không phải vấn đề của đội bên kia. Đặc biệt, trong một tranh biện, cả hai phe gần như đều có thể đưa ra các lập luận hợp lí và đúng đắn. Điều bạn cần làm là chỉ ra cho trọng tài và người nghe vì sao những gì đội bạn nói quan trọng hơn những gì đội kia trình bày kể cả khi hai đội đều có ý đúng.

Lời kết

Để các bạn không bị ngộ chữ, chúng ta sẽ quay lại phân tích kĩ hơn các tiêu chí đánh giá lập luận và từng thành phần lập luận ở bài sau. Bây giờ chúng ta hãy cùng điểm lại xem hôm nay mình đã bàn về những vấn đề gì rồi nhé:

  • Lập luận là gì? Vì sao cần học lập luận?
  • Các tiêu chí đánh giá lập luận là gì?
  • Cấu trúc của một lập luận tốt gồm những phần nào?

Cám ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài viết này. Sau đây sẽ là phần phục lục gồm lập luận mẫu cũng như các ví dụ cho phần lí thuyết. Trước đó, Xóm Tranh biện bạn có thể dành 5 phút để điền mẫu phản hồi bài viết sau, để chúng mình có thể kịp thời thay đổi và có các bài viết tiếp theo chất lượng hơn, phục vụ bạn đọc.

Phụ lục 1: Lập luận “SEXI”

Luận điểm (S): Án tử hình giúp xã hội an toàn hơn bằng cách răn đe và ngăn chặn các hành vi phạm tội nghiêm trọng.

Lý lẽ (E): Án tử hình ngăn đe các tội ác như giết người, hiếp dâm bằng cách đe dọa các đối tượng phạm tội tiềm năng bởi án phạt nặng nhất – cái chết. Bởi lẽ, các hành vi phạm tội này thường được tính toán và lên kế hoạch kĩ lưỡng. Có nghĩa là, trước khi một người thực hiện hành vi phạm tội, họ sẽ lên kế hoạch, từ đó, họ sẽ phải cân nhắc các phương án, cũng như lợi – hại. Vì thế, ở đây, hệ quả sẽ là con người sẽ cân nhắc lại quyết định trước khi phạm tội. Ngoài ra, việc này còn khiến những người có hành vi phạm pháp khác (như cướp của) tránh việc thủ tiêu nhân chứng nếu bị phát hiện. Tất nhiên, án phạt này sẽ có tác dụng hạn chế với những kẻ giết người máu lạnh. Tuy nhiên, nó sẽ là một tác động tâm lý lớn tới những người dân thường có khả năng tư duy bình thường nhưng có khả năng gây ra tội ác ở các hoàn cảnh nhạy cảm. Đó có thể là một người đàn ông có ý định xấu với cô con gái nhà hàng xóm hay một người phụ nữ có ý định đánh ghen để trả thù. Khi các tội ác như vậy được ngăn chặn, xã hội sẽ trở nên an toàn hơn.

Dẫn chứng (X): Một số nghiên cứu ở Mỹ, ví dụ như nghiên cứu tình hình tội phạm ở Utah từ năm 1976 đến năm 1988, chỉ ra rằng tỉ lệ các vụ phạm tội giết người giảm mạnh mỗi lần án tử hình được thực thi. Nghiên cứu khác của trường đại học Emory kết luận rằng một án tử hình có thể ngăn chặn được trung bình 8 vụ giết người.

Tầm quan trọng (I): Như vậy, dẫn chứng đã chứng minh cho ta thấy vì sao án tử hình có thể ngăn đe được các vụ phạm tội nghiêm trọng, giúp xã hội an toàn hơn. Chỉ với lí do này, nhà nước cần đưa nó vào hệ thống pháp luật. Bởi lẽ, đối với bất kì nhà nước nào, nhiệm vụ tối quan trọng là bảo vệ tính mạng của người vô tội kể cả khi việc đó phải trả bằng tính mạng của một kẻ phạm tội.

Phụ lục 2: Lý lẽ – Vì sao? Vì sao? Vì sao?

Ý tưởng: Án tử hình giúp bảo vệ xã hội bằng cách ngăn chặn tội phạm.

Vì sao? Nó đe dọa các tội phạm tiềm năng bằng án phạt cao nhất trong quá trình tính toán của họ.

Tức là sao? Điều này có nghĩa là bất cứ khi nào một người có kế hoạch thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, nguy cơ phải đánh đổi bằng tính mạng sẽ ám ảnh người đó.

Vậy tại sao nó lại giúp ngăn chặn tội phạm?

Bởi tất cả những người có suy nghĩ bình thường sẽ không bao giờ muốn bị tử hình và đương nhiên sẽ tránh làm những điều có thể dẫn đến việc đó. Và số đông những người có khả năng thực hiện hành vi phạm tội đều có khả năng suy nghĩ, họ sẽ có khả năng tránh việc phạm tội có thể dẫn đến việc bị tử hình.

Phụ lục 3: Impact – Vì sao lại quan trọng?

Vì sao việc này lại quan trọng? Vì sao phải quan tâm đến việc ngăn chặn tội phạm?Bởi vì trách nhiệm lớn nhất của chúng ta là phải bảo vệ người vô tội, kể cả khi phải hi sinh cuộc sống của kẻ phạm tội.

Phụ lục 4: Thuật ngữ tranh biện (Việt – Anh)

  • Kiến nghị – motion
  • Lập luận – argument, argumentation
  • Luận điểm – claim, statement
  • Lý lẽ – reasoning, explanation
  • Dẫn chứng – evidence, example
  • Tầm quan trọng – impact
  • Tiền đề: premise
  • Kết luận: conclusion
  • Tính liên quan: relevance
  • Tính đúng đắn: trueness
  • Tính quan trọng: importance, significance

Nguồn: Ybox.vn