Mẹo Trả Lời Câu Hỏi Về Mức Lương Mong Muốn Dành Cho Sinh Viên Mới Ra Trường

“Mức lương bạn mong muốn là bao nhiêu” – đây là một câu hỏi rất khó trả lời, đặc biệt là đối với sinh viên mới tốt nghiệp, trong tay không có nhiều kinh nghiệm.

1. Tại sao sinh viên mới ra trường khó trả lời câu hỏi về mức lương mong muốn

Thương lượng lương khi đi phỏng vấn như đi thương lượng bán một món hàng khó định giá, vì đó là sức lao động!

Người đã đi làm, sẽ dễ dàng xác định mức lương mong muốn dựa trên nhiều yếu tố:

– Mức lương hiện tại

– Mức lương bình quân của vị trí

– Mức lương bình quân của ngành, lĩnh vực hoạt động của công ty

– Các phụ cấp, trợ cấp của vị trí hiện tại và vị trí mong muốn làm việc

Với đa phần sinh viên mới ra trường, không có kinh nghiệm làm việc chuyên môn cũng không thường xuyên đi làm thêm,… thì khó để đề đạt mức lương mong muốn với nhà tuyển dụng. Một phần không nhỏ đến từ tâm lý:

Không dám đòi hỏi mức lương cao quá sợ không được tuyển dụng do có hàng chục hồ sơ khác đang chờ đợi vị trí đó.
Thấp quá thì xót xa cho công sức mình bỏ ra.

Cách tốt nhất là bạn tham khảo ý kiến của một số bạn bè, anh chị đi trước làm trong lĩnh vực mà bạn mong muốn làm. Càng nhiều ý kiến phản hồi càng tốt. Bạn hãy thống kê lại và bạn sẽ tự biết mình nên đề đạt mức lương bao nhiêu cho hợp lý.

TIPS: Bạn có thể lên các diễn đàn, group FB có nhiều thành viên tham gia để đặt câu hỏi chung trên diễn đàn hoặc gửi tin nhắn riêng cho một số thành viên hoạt động năng nổ để dò hỏi mức lương phù hợp.

2. KHÔNG nên trả lời theo những cách sau đây:

– “Lương đối với em không quan trọng lắm, quan trọng là được học hỏi, rèn luyện…”.

Nhà tuyển dụng sẽ không có thiện cảm với những người không đi làm vì tiền, bởi nó là một dấu hiệu của sự chưa trưởng thành. Nếu tiền đối với bạn không quan trọng, nhà tuyển dụng sẽ suy ra công việc đối với bạn cũng không quan trọng luôn, đơn giản vì mục tiêu lớn nhất của công việc là kiếm tiền.

Hơn nữa, trong mắt nhà tuyển dụng, những người trả lời theo kiểu trên thường là những người không có năng lực, hoặc không tự tin vào khả năng của họ, hoặc không biết được khả năng của họ đến đâu. Không có một doanh nghiệp nào muốn biến công ty của họ thành nơi thực tập miễn phí cho những người như thế cả.

Do đó, dẫu mục tiêu của bạn là học hỏi, rèn luyện kinh nghiệm (đây là một mục tiêu chính đáng), bạn vẫn phải quan tâm đến lương bổng nếu bạn muốn tìm được việc làm. Bạn phải chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy rằng, bạn tự tin vào giá trị của mình thông qua mức lương mà bạn đề nghị.

3. Tips cho bạn nè:

  • Tìm hiểu về mức lương mong muốn:

Trước khi đi phỏng vấn, bạn hãy tìm hiểu thật kỹ mức lương nhà tuyển dụng có thể trả cho vị trí của bạn. Nếu có bạn bè hay người thân làm việc trong công ty mà bạn ứng tuyển, bạn có thể khéo léo hỏi thăm mức lương trung bình của các vị trí tương đương.

  • Nêu bật thế mạnh và thành tích của bạn

Hãy nhấn mạnh những thành tích bạn đã đạt được trong quá trình học, ví dụ như những học bổng, giải thưởng, các lĩnh vực bạn học tốt, các công việc bán thời gian bạn đã làm… Bạn đã tích lũy được những kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức nào phù hợp với vị trí ứng tuyển…

Những sở trường bản thân phù hợp với vị trí ứng tuyển sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mức lương nhà tuyển dụng quyết định trả cho bạn. Bên cạnh đó, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ là một thế mạnh của bạn, hãy thể hiện điều đó cùng với sự đam mê đặc biệt với công việc ứng tuyển; đồng thời nhấn mạnh sự quyết tâm gắn bó và phát triển lâu dài cùng công ty (nếu đây thực sự là công việc mơ ước của bạn).

Thực tế: Một số ứng viên khi đi phỏng vấn đã yêu cầu mức lương “ngất ngưỡng” so với năng lực của họ. Đó là điều bạn cần tránh vì nhà tuyển dụng chỉ trả mức lương phù hợp với năng lực thực sự của bạn mà thôi. Vì vậy bạn cần đánh giá thực lực của mình một cách khách quan.

  • Cân nhắc các chế độ khác:

Bạn rất hài lòng vì đây là công việc yêu thích của bạn, nhưng mức lương nhà tuyển dụng đưa ra không được như bạn mong muốn. Dĩ nhiên mức lương là quan trọng, nhưng bạn nên cân nhắc những chế độ khác như cơ hội phát triển nghề nghiệp, môi trường làm việc hay chính sách đào tạo… trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Bởi với một sinh viên mới ra trường, điều kiện học tập và phát triển là một yếu tố cực kỳ quan trọng.

Ngoài ra, một lời khuyên nhỏ dành cho bạn khi “đương đầu” với câu hỏi này: bạn đừng bao giờ đặt lên bàn những con số cụ thể. Tốt hơn hết bạn nên hoãn lại cuộc thương thuyết quan trọng này lại cho đến khi bạn chứng tỏ được rằng bạn hoàn toàn yêu thích và phù hợp nhất với vị trí này, hãy trình bày để nhà tuyển dụng thấy nhiệt huyết đóng góp, cống hiến của bạn nếu bạn được vinh dự trở thành một thành viên của công ty.

Nếu bạn thật sự có khả năng mang đến giá trị mong muốn cho nhà tuyển dụng, hãy tự tin thương lượng mức lương mong muốn với họ.

  • Thỏa thuận thời gian thử việc là bao lâu để tránh trường hợp làm hoài mà lương không tăng như mức thỏa thuận ban đầu.

 

4. Một số câu trả lời về mức lương mong muốn cho các bạn sinh viên mới ra trường tham khảo

Dưới đây là các câu trả lời về mức lương mong muốn của các bạn sinh viên mới ra trường các bạn có thể tham khảo khi trả lời phỏng vấn nhé:

  • “Về mức lương em chỉ yêu cầu công ty trả đúng theo năng lực em làm sau 1 tháng. Nếu sau ba tháng em làm không được việc em xin phép bàn giao cho người giỏi hơn.”

 

Trích một bài viết trên group kế toán.

  • “Với kỹ năng SEO lên top cho hàng chục website ở một số lĩnh vực khác nhau. Em tự tin sẽ thu hút thêm lượng visit vào website của công ty, giúp tăng 3.000 bậc tới top 5.000 website lớn nhất việt nam trong 2 tháng và top 1.000 trong 7 tháng. Như vậy, Em mong muốn mức lương của mình sau 2 tháng là 8 triệu. Còn trong thời gian thử việc 2 tháng là thời gian em chứng minh năng lực và target đặt ra: em mong muốn công ty có thể trả cho em mức thu nhập bằng với tổng mức thu nhập khi em làm SEO part-time cho các website hiện tại là 5 triệu.”

Chúc các bạn có một cuộc phỏng vấn thành công.

 

Nguồn: Sưu tầm