Một Số Kỹ Năng Giúp Bạn Phát Triển Trí Tuệ Cảm Xúc

Có bao giờ bạn nghe đến trí tuệ cảm xúc chưa? Và theo bạn trí tuệ cảm xúc được hình thành như thế nào và có quan trọng trong cuộc sống hay không?

Hôm nay hãy cùng Workingskills tìm hiểu về trí tuệ cảm xúc nhé.

1. Trí tuệ cảm xúc là gì?

Những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, ở nhiều nước phương Tây, người ta nói nhiều tới các xúc cảm của con người và sự giáo dục xúc cảm cho mọi người, đặc biệt các lớp trẻ. Nghệ thuật kiểm soát cảm xúc và định hướng cho nó một cách đúng đắn được gọi là “Trí tuệ xúc cảm”.

2. Vì sao cần phát triển trí tuệ cảm xúc?

Đôi khi, chúng ta hay đồng nhất trí tuệ với chỉ số IQ. Đó là cách hiểu phiến diện bởi chúng ta chỉ chú trọng tới trí tuệ lý trí mà quên mất rằng thấu hiểu các xúc cảm cũng là một dạng trí tuệ vô cùng quan trọng để con người có thể thành đạt trong công việc và có cuộc sống tích cực, tốt đẹp hơn. Các nhà tâm lý học ngày càng đánh giá cao vai trò của cảm xúc và ảnh hưởng của nó đến đời sống con người. Trí tuệ cảm xúc là một yếu tố tác động tới mọi khía cạnh trong cuộc sống.

3. Bạn có thể phát triển trí tuệ cảm xúc bằng cách nào?

3.1 Luyện tập khả năng tự nhận thức:

  • Thấu hiểu những gì bạn đang làm: điều này tưởng chừng như đơn giản nhưng thực sự các thiết bị công nghệ hiện đại khiến cho bạn chẳng hiểu mình đang làm gì. Để hiểu bản thân đang nghĩ và làm gì, bước đầu, bạn hãy dành ra những khoảng thời gian nói “Không” với các thiết bị công nghệ. Hãy tìm đến những nơi yên tĩnh và suy ngẫm về cuộc sống của bản thân. Đây cũng là cách để bạn rèn luyện sức khỏe tinh thần và sự tĩnh tâm.
  • Thấu hiểu những gì bạn đang cảm nhận: có một sự thật là thói quen lướt mạng xã hội mỗi ngày đang đánh lạc hướng bạn khỏi những cảm xúc thật của chính bản thân mình. Vì vậy hãy thử nhường thời gian cho việc thấu hiểu cảm xúc của bản thân thay vì quan tâm quá nhiều đến cảm xúc của những mối quan hệ “ảo”. Và đừng thấy phát điên khi bạn nhận ra mình đang lo lắng hay có những cảm xúc tiêu cực mà trước giờ chưa từng xuất hiện. Dù cho đó có là cảm xúc gì đi nữa thì hãy tin rằng nó luôn có lý do để tồn tại. Việc của bạn là hãy tìm ra lý do đó để loại bỏ chúng ra khỏi cuộc sống của mình hoặc chuyển hóa chúng thành những năng lượng tích cực.  

3.2 Học cách tạo động lực cho bản thân:

  • Nguyên tắc “Do Something”: hành động không chỉ là hệ quả của động lực, mà còn là nguyên nhân tạo ra động lực. Đa số chúng ta đều đang tìm kiếm động lực trước khi làm một điều gì đó, nhưng các bạn có thể thực hiện ngược lại bằng cách làm bất cứ thứ gì để có động lực duy trì những thành quả chúng ta đang có. Thay vì bạn tìm kiếm động lực để học ngoại ngữ, thì hãy dành ra khoảng 10 phút một ngày để học 5 từ vựng. Việc học 5 từ một ngày không đòi hỏi chúng ta phải cần động lực quá mạnh mẽ, nhưng nếu bạn duy trì được việc học suốt 1 tuần thì thành quả này sẽ trở thành động lực thúc đẩy bạn tiếp tục chinh phục việc học ngoại ngữ đấy.
  • Khi đang gặp phải cảm xúc chán nản, hãy bắt tay vào làm những điều gì đó quen thuộc và dễ dàng chẳng hạn như quét dọn nhà cửa. Những việc này sẽ giúp bạn có cảm giác mình đã đạt được những thành tựu nho nhỏ. Từ đó, bạn sẽ dễ dàng lấy lại tinh thần để có thể tiếp tục những công việc còn đang dở dang.

3.3. Nhận biết cảm xúc từ người khác để tạo ra các mối quan hệ lành mạnh:

  • Mục đích cuối cùng của việc phát triển trí tuệ cảm xúc là tạo ra những mối quan hệ tốt đẹp. Bạn không thể tồn tại trong một cộng đồng mà không có bất cứ một mối quan hệ nào. Cuộc sống của bạn là quá trình tương tác và học hỏi từ những người xung quanh. Vì vậy, bạn không thể sống mà “bất chấp người khác nghĩ gì”. Tuy nhiên, bạn cũng phải biết cách “lắng nghe” cảm xúc của người khác một cách phù hợp.

3.4. Gắn liền trí tuệ cảm xúc với những giá trị tốt đẹp

  • Hãy luôn phát triển cảm xúc của mình, nhưng hãy hướng nó đến những mục đích tốt đẹp. Bạn hiểu rõ bản thân và đọc vị được người khác để tạo ra những mối quan hệ lành mạnh, chứ không phải sử dụng nó vì một mục đích lừa đảo hay làm điều gì có hại cho xã hội. Vì vậy hãy gắn liền trí tuệ cảm xúc với những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống bạn nhé.

Rèn luyện sức khỏe tinh thần cũng giống như rèn luyện sức khỏe thể chất vậy. Chúng ta cần phải kiên trì mỗi ngày để đạt kết quả tốt. Hãy cùng nhau rèn luyện để có được một kết quả thật tốt nhé.

Biên tập: Vũ Vũ – Cổng thông tin thực tập Internship.edu.vn

CÁC BÀI VIẾT THAM KHẢO

Ikigai – Bí Mật Của Người Nhật Giúp Giải Mã Sứ Mệnh Của Cuộc Đời Bạn

16 Nhóm Tính Cách – BẠN LÀ AI? (MBTI)

4 Cách Vượt Qua Hội Chứng Kẻ Mạo Danh Để Tin Tưởng Vào Bản Thân Mình

10 Bài Trắc Nghiệm Miễn Phí – Khám Phá Bản Thân

Phát Triển Bản Thân Là Nhiệm Vụ Bắt Buộc Của Người Khôn Ngoan