Trong phần trước, chúng ta đã được tìm hiểu cách chuẩn bị về tinh thần cũng như các vật dụng cần thiết để việc ghi chép trở nên hiệu quả hơn. Thế nhưng, phải làm thế nào để tận dụng những sự chuẩn bị đó vào quá trình ghi chép? Có những chiến thuật nào bạn không thể bỏ qua? Hãy cùng Internship tìm hiểu ngay thôi!
III. Ghi chép thông tin như thế nào?
1) Bộ tứ quyền lực Thứ, Ngày, Tháng, Năm
Thói quen tốt luôn là nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai của bạn. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà từ nhỏ đi học thầy cô đã rèn cho bạn thói quen ghi ngày tháng trước mỗi đầu bài. Việc này sẽ giúp bạn liên tưởng được những sự việc đã diễn ra ngày hôm đó, chẳng hạn như buổi học hôm đó có gì vui, giảng viên đã đưa ra những câu chuyện nào, ra dẫn chứng thực tế ra sao.
Bên cạnh việc ghi ngày tháng, bạn cũng nên đánh số cho các phần trong chuỗi bài học của mình để dễ đọc hơn, cũng như đừng quên ghi lại tựa bài. Mặc dù sẽ có lúc nội dung bài chỉ có vài dòng, nhưng việc ghi lại tựa sẽ giúp bạn nhớ vài dòng nội dung đó thuộc phần nào và nằm ở đâu trong sách.
Tạo cho mình một thói quen tốt chỉ trong chưa đầy 30 giây, bạn làm được không nào?
2) Đừng sa vào “cái bẫy chữ viết”
“Ngại nhất là bạn bè không đọc được chữ viết của mình, không hiểu mình viết gì.”
“Mình muốn được khen là có vở chép đẹp.”
“Chữ phải đẹp, rõ ràng thì đọc lại mới dễ tiếp thu kiến thức.”
Đây là những lo lắng hoàn toàn hợp lý mà bạn trẻ nào cũng gặp phải trong quá trình ghi chép. Thế nhưng trong thực tế, những lo lắng này lại chính là những “cái bẫy” khiến bạn đi lệch khỏi mục tiêu ban đầu của mình: thay vì mục tiêu của ghi chép là để trau dồi kiến thức, thì giờ đây mục tiêu của bạn là viết ra một quyển sổ thật đẹp. Thay vào đó, bạn cần xác định rõ sổ ghi chép của mỗi người đều khác nhau, vì mỗi người đều có cách viết riêng. Do đó, chữ bạn có thể không đẹp, bố cục có thể lung tung, nhưng quan trọng là bạn phải viết rõ ràng, để ít nhất chính bạn sẽ là người đọc được những chữ viết của mình.
Có sổ chép đẹp thật thích, nhưng bạn phải chấp nhận sự thật là không phải ai cũng làm được như thế.
Bạn nên thống nhất các chữ viết tắt của mình để tăng tốc độ ghi chép mà vẫn đảm bảo bản thân hiểu những gì mình viết. Ví dụ như hôm trước bạn viết tắt chữ “phát triển” thành “pt,” mà hôm sau lại viết tắt thành “p↑” thì chẳng phải chính bạn cũng sẽ bị rối sao?
Mẹo nhỏ cho bạn:
Trong trường hợp không mang theo sổ, bạn có thể tận dụng điện thoại và những ứng dụng trong đó để ghi chú nhanh chóng, dễ dàng hơn. Một trong những ứng dụng được sử dụng rộng rãi nhất có thể kể đến như One Note, Evernote, Audio Note,…
Bên cạnh những ứng dụng tải về, một số tính năng có sẵn trong điện thoại cũng rất hữu ích cho việc ghi chép. Với iPhone, bạn có thể truy cập tính năng Text Replacement – Thay thế văn bản qua Settings -> General -> Keyboard -> Text Replacement.
3) Xem tivi để luyện khả năng nghe từ khóa
Như đã đề cập ở trên: bạn không cần viết đẹp, chỉ cần viết rõ ràng. Tuy vậy, nhiều bạn khi bắt đầu luyện tập kỹ năng ghi chép đều gặp khó khăn khi thầy cô giảng quá nhanh trong khi có quá nhiều thông tin cần ghi chú. Do đó, bạn nên rèn cho mình khả năng nắm bắt thông tin trước đã.
Hằng ngày, bạn có thể theo dõi các chương trình trên tivi và tập nghe và nắm bắt các ý chính của bản tin và ghi lại những từ khóa bạn nghĩ là quan trọng. Sau đó, hãy đọc lại những từ khóa đó để xem bản thân có hiểu được hay không. Cuối cùng, bạn thử tường thuật lại bản tin thông qua những từ khóa đó. Khi nào làm được hai bước trên là bạn đã chứng tỏ mình đang sử dụng hiệu quả các từ khóa rồi đấy.
Mẹo nhỏ cho bạn: Bạn nên xem những chương trình cung cấp kiến thức như tin tức thời sự, phim tài liệu hoặc khoa học thay vì những gameshow hay chương trình ca nhạc nhé.
Luyện ghi chép qua tivi giúp bạn làm quen với tốc độ giảng bài nhanh của một số thầy cô, tăng khả năng nghe-hiểu và ghi chép nhanh, hơn nữa lại còn nắm bắt được nhiều tin tức mà ngày thường bạn chẳng bao giờ xem đến.
Sau khi bỏ túi những chiến thuật trên, chắc hẳn bạn cũng đã tự tin hơn nhiều về khả năng ghi chép của mình rồi nhỉ? Thế nhưng, không chỉ dừng lại ở đó, ghi chép chỉ có tác dụng khi bạn áp dụng chúng hiệu quả trong buổi học và biết cách ôn tập ngay sau đó. Đây là những nội dung sẽ được Internship mang đến cho các bạn trong bài viết tiếp theo. Hãy cùng chờ đón nào!
Nghệ Thuật Ghi Chép Thông Minh – Phần 1: Trang Bị Vũ Khí Cho Bản Thân
Nghệ Thuật Ghi Chép Thông Minh – Phần 3: Quá Trình Ghi Chép Và Ôn Tập
Biên tập: Kim Nguyễn – Cổng Thông Tin Thực Tập Internship.edu.vn