Nghệ Thuật Ghi Chép Thông Minh – Phần 3: Quá Trình Ghi Chép Và Ôn Tập

Sau quá trình Chuẩn bịRèn luyện các kỹ thuật ghi chép, trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá những chiến thuật cuối cùng: bước Ghi chép trực tiếp và Ôn tập. Theo đánh giá của những trường đại học hàng đầu thế giới, đây là hai bước quan trọng nhất trong quá trình ghi chép và sẽ giúp bạn có sự tiếp thu vượt bậc nếu được áp dụng đúng cách. Hãy khám phá ngay thôi!

IV. Làm sao để ghi chép hiệu quả trong giờ học?

1) Hãy đi theo dòng chảy bài giảng của thầy cô

Mỗi thầy cô trong mỗi môn học đều có phong cách và tốc độ giảng bài khác nhau, vì thế bạn cần thay đổi cách ghi chép của mình cho phù hợp.

Nếu bạn có một ý kiến nào đó trái ngược với bài học và vẫn chưa thỏa mãn với lời giải thích của thầy cô, hãy ghi chú và để lại sau. Đừng để những ý nghĩ mâu thuẫn trong lòng ngăn cản bạn tiếp thu những kiến thức mới, hãy cứ ghi nhận mọi thứ trước đã. Bạn hoàn toàn có thể trao đổi với bạn bè hay giảng viên của mình vào giờ nghỉ hoặc sau giờ học mà.

2) Lắng nghe chủ động

Làm một người nghe chủ động, bạn phải theo dõi bài học để đúc kết được những gì cần lưu ý, thay vì chép hết mọi thứ trên bảng chỉ vì bạn “thấy cái nào cũng quan trọng.”

Hãy chọn lọc thông tin và chỉ ghi những từ khóa chính thôi nhé.

3) Tập trung, tập trung, phải luôn tập trung

Trong chúng ta ai cũng có xu hướng “thả lỏng” đầu óc hơn khi tiếp cận một vấn đề bản thân đã biết từ trước, hoặc một vấn đề họ không mảy may quan tâm tìm hiểu. Chẳng hạn như trong giờ học, nếu giảng viên đang nói về một câu chuyện mà bạn đã biết rồi, hoặc có một sinh viên đặt một câu hỏi mà bạn không hề tò mò muốn biết, bạn sẽ có thói quen nhìn ra cửa sổ, nhìn đồng hồ, hay nói chuyện với bạn bè. Trong lúc đó, thầy cô đã quay trở lại bài học của mình, và bạn bị lệch nhịp lúc nào không hay.

Để giải quyết vấn đề này, bạn cần tập trung nghe kể cả những thứ mình đã biết rồi và ghi chép thật ngắn gọn nội dung đó. Có như vậy, những ý bạn ghi chép sẽ liên kết hơn và không bị “đục lỗ” thông tin. Ví dụ như khi giải một bài toán, bạn phải chép lại cả bài giải chứ đâu thể chỉ chép một vài phần, hoặc chỉ chép đáp án thôi, đúng không?

#Thông tin bị đục lỗ #Đây là đâu và tôi là ai

V. 20 phút ôn tập biến thông tin thành kiến thức

Nếu bạn nào đã theo dõi bài viết Kim Tự Tháp Học Tập chắc chắn cũng biết khả năng thất thoát thông tin trong não bộ chúng ta là cực kỳ cao. Vì thế lời khuyên cho bạn là hãy ôn tập những nội dung đã ghi chép càng sớm càng tốt, hoặc ít nhất là trong vòng 24 giờ sau đó.

Đây sẽ là lúc bạn chỉnh sửa lại quyển sổ ghi chép của mình – hoàn chỉnh các bảng và biểu đồ, tô dạ quang các từ khóa, sửa lỗi chính tả, bổ sung thông tin từ các slide bài giảng hoặc hình chụp trong điện thoại,… Sau đó, hãy đọc lại một lượt và tự tóm tắt nội dung bài.

Bạn có thể dán giấy note lên những đoạn bị viết sai để tiết kiệm thời gian chép lại. Đồng thời, tạo thêm màu sắc trên vở cũng sẽ kích thích khả năng học của bạn hơn đấy.

Nếu cần thiết, hãy viết lại phần ghi chú theo một bố cục hợp lý hơn, hoặc gõ vàp máy tính để dễ lưu trữ và tìm kiếm thông tin sau này. Cách này tuy mất nhiều thời gian hơn, nhưng nó phù hợp với những bạn có thói quen viết không theo trật tự hoặc chưa có kỹ năng ghi chép nhanh trong giờ học.

Bạn có biết:

Những sinh viên tại Đại học Harvard có thể dành ra hàng giờ đồng hồ để ôn tập lại những ghi chú tại lớp của mình. Họ xem đó là một sự đầu tư lâu dài về kiến thức cho bản thân mình.  Đối với các sinh viên này, vở ghi chép giống như một quyển sách giáo khoa do chính họ tự tạo ra – một quyển sách hợp ý và chứa những thông tin phù hợp nhất với kiến thức nền tảng của họ.

Tóm lại, qua 3 phần của chuỗi Nghệ Thuật Ghi Chép Thông Minh, bạn đã học được cách chuẩn bị ra sao, khi tiến hành ghi chép và sau khi ghi chép nên làm những gì để có thể hấp thu tối đa những kiến thức mình học được. Internship hy vọng bạn có thể vận dụng thành công những bí quyết và chiến thuật ghi chép này vào thực tế trong thời gian còn đi học, cũng như áp dụng chúng trong quá trình làm việc sau này nhé.

 

Nghệ Thuật Ghi Chép Thông Minh – Phần 1: Trang Bị Vũ Khí Cho Bản Thân

Nghệ Thuật Ghi Chép Thông Minh – Phần 2: Chiến Thuật Chọn Lựa Thông Tin

 

Biên tập: Kim Nguyễn – Cổng Thông Tin Thực Tập Internship.edu.vn