Tiêu chí SMART trong thiết lập mục tiêu

Thiết lập mục tiêu là một kỹ năng đơn giản và rất dễ áp dụng để nâng cao hiệu quả công việc. Tuy nhiên, rất nhiều bạn lại chưa làm tốt điều này khiến cho mục tiêu khi đặt ra lại không rõ ràng và khó đạt được. Thậm chí, có bạn còn nhầm lẫn giữa mục đích công việc và mục tiêu công việc mới thực sự “nguy hiểm”.

Tiêu chí SMART trong thiết lập mục tiêu sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này. Vậy bạn có biết thế nào là một mục tiêu tuân thủ theo tiêu chí SMART không?

SMART là viết tắt của 5 chữ cái đầu của 5 yếu tố xác lập mục tiêu:

1. S – Specific – Cụ thể

Một mục tiêu cụ thể có nhiều cơ hội hoàn thành hơn nhiều so với một mục tiêu chung chung. Để đặt được một mục tiêu cụ thể bạn cần phải trả lời 6 câu hỏi “W questions” sau:

*Who: Mục tiêu bao gồm hoặc liên quan tới những ai?

*What: Mục tiêu liên quan tới việc gì?

*Where: Mục tiêu liên quan đến địa điểm nào? hay được áp dụng ở đâu?

*When: Khi nào hoàn thành hay khi nào áp dụng?

*Which: Nhận định những yêu cầu hoặc trở ngại có thể.

*Why: Đưa ra được lý do, mục đích hoặc lợi ích đạt được nếu như mục tiêu được hoàn thành. .

Ví dụ: “cuối năm nay tôi sẽ đi du lịch” – rất chung chung! Mục tiêu này nên được đặt ra thế này: “Tháng 12 năm nay tôi sẽ đi du lịch ở Thái Lan”

 

2.M – Measurable – Có thể đo lường được

Bạn cần phải thiết lập một cơ chế cụ thể cho quy trình đo lường kết quả đạt được cho mỗi mục tiêu mà bạn đặt ra.

Khi bạn đo lường tiến độ công việc, liên tục theo dõi và đạt được kết quả đúng tiến độ, bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác sung sướng khi đạt được thành quả, nó sẽ thúc đẩy bạn cố gắng hơn nữa trong những mục tiêu khác trong cuộc sống.

Để biết mục tiêu của bạn có thể đo lường được hay không, hãy đặt ra các câu hỏi đại loại như:

– Bao nhiêu?

– Làm sao để biết khi nào hoàn thành công việc?

 

3. A- Achievable – Có thể đạt được

Khi thiết lập mục tiêu, bạn bắt đầu định ra được cách thức để biến chúng thành hiện thực. Bạn sẽ nâng cao thái độ, năng lực, kỹ năng, năng lực tài chính…để đạt được chúng. Bạn sẽ bắt đầu nhìn lại một cách tổng quát những cơ hội để mang bạn đến gần với việc đạt mục tiêu đó.

Bạn sẽ có thể đạt được hầu hết các mục tiêu đặt ra khi bạn lên kế hoạch cho từng bước thực hiện v à định ra khung thời gian cho phép bạn triển khai. Những mục tiêu đó có khi hơi “xa xôi” hoặc khó đạt được có thể chuyển sang có thể đạt được không phải do mục tiêu bị “rút” lại, mà là do bạn “trưởng thành” hơn để phù hợp với mục tiêu. Khi bạn liệt kê ra các mục tiêu của mình đồng nghĩa với việc bạn xây dựng được một cơ chế tự đánh giá bản thân. Bạn sẽ thấy bản thân mình xứng đáng với những mục tiêu đó và sẽ phát triển thẳng đến “đẳng cấp” của người thành công.

 

4. R -Realistic- Tính thực tế

Để có tính thực tế, mục tiêu của bạn phải hướng tới những tiêu chí của công việc bạn cần thực hiện. Mục tiêu của bạn có thể cao nhưng phải thực tế. Và bạn, chỉ có bạn mới là người quyết định mục tiêu của bạn cao thấp thế nào mà thôi. Nhưng bạn phải đảm bảo rằng mỗi mục tiêu phải đại diện cho một công việc thỏa đáng.

Thông thường một mục tiêu cao dễ đạt được hơn những mục tiêu thấp, bởi vì mục tiêu thấp thường ít được chú trọng và ít tạo ra động lực để thực hiện. Những việc khó thường dễ hoàn thành hơn đơn giản vì chúng được thực hiện với tất cả niềm đam mê.

 

5. T – Time Bound – Hạn định

Mục tiêu cần phải được đặt ra một khung thời gian cụ thể. Không bị bó buộc bởi thời hạn thì sẽ không có cảm giác gấp rút khi thực hiện. Nếu bạn có doanh số 10 tỷ, bạn muốn đạt được khi nào? “Một ngày nào đó” ư? Nếu bạn đặt mục tiêu đó vào một khung thời gian đại loại như “trước 35 tuổi” chẳng hạn, khi đó tiềm thức sẽ cho biết bạn cần làm như thế nào.

Mục tiêu của bạn có tính thực tế nếu bạn thật sự tin rằng nó có thể hoàn thành. Và một cách khác nữa là bạn đã từng hoàn thành một mục tiêu giống giống như vậy trong quá khứ hoặc tự hỏi bản thân rằng điều kiện nào phải có để đạt được mục tiêu đó.

Chữ ‘T” trong SMART cũng có thể đại diện cho “Tangible” – Có thể sờ nắn được.

Một mục tiêu có thể sờ nắn được khi bạn có thể trải nghiệm nó với một trong những giác quan của cơ thể, như là: có thể nếm được, ngửi được, nhìn thấy được hay có thể nghe được….

Một khi mục tiêu của bạn có thể sờ nắn được, bạn có cơ hội tốt hơn để làm cho nó trở nên cụ thể hơn, có thể đo lường được và thế là có thể đạt được.

Chúc các bạn có được các mục tiêu “SMART” cho riêng mình!

Nguồn: Sưu tầm

Tham khảo kỹ năng quản lý thời gian, bản thân để học tập, làm việc hiệu quả & thành công tại: http://www.kynangchuyennghiep.vn/1-ky-nang-quan-ly-thoi-gian-quan-ly-ban-than/