Góc Nhìn Của “Sếp” Với Thực Tập Sinh

internship.edu.vn-httt-_boss_angleInternship.edu.vn xin chia sẻ lại những lời của anh Paul Espinas, Giám Đốc Marketing của VietnamWork dành cho các bạn thực tập sinh. Hi vọng các bạn sẽ rút ra cho bản thân những bài học quý giá.

[…. Gần đây tôi có tham dự một buổi tiệc chia tay một thực tập sinh đã làm việc với chúng tôi trong vài tháng. Một trong những người bạn của tôi từng nói tôi đang làm các thực tập sinh sợ hãi bằng cách luôn ngồi kế họ, và tôi hiểu họ muốn nói gì. Tôi đã từng rất sợ hãi đồng nghiệp, đặc biệt là sếp của phòng ban, khi tôi còn là một người mới đi làm.

Nhưng, tôi cũng có lý do riêng của mình khi luôn ngồi kế bên hoặc gần các thực tập sinh tại phòng Marketing của VietnamWorks.

1. Năng lượng lan truyền: Tôi luôn luôn ấn tượng bởi nguồn năng lượng vô hạn của các thực tập sinh. Trong nhiều trường hợp, những nhân viên đã làm việc nhiều năm ở công ty thường có xu hướng lạnh nhạt với công việc hằng ngày. Tôi cũng gặp trường hợp này một vài lần, và đó là lúc tôi quyết định đi nghỉ mát. Ngồi kế bên hoặc gần các thực tập sinh với nguồn năng lượng tưởng chừng vô hạn với công việc giống như việc thổi một làn gió mát mẻ vào guồng làm việc hằng ngày ở văn phòng.

2. Sự khiêm nhường: Làm việc với những nhân tài hàng đầu không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Hầu hết là ngược lại. Cách mà các thực tập sinh phối hợp nhịp nhàng với mọi người trong team thật là một cảnh khiến tôi rất hài lòng. Họ nhận các công việc với một sự cân bằng tuyệt hảo của sự khiêm nhường, sự hào hứng và sự bồn chồn. Thật tuyệt.

3. Không nản lòng: Tôi tin rằng các thực tập sinh là những nhân viên có bảng mô tả công việc và bảng mục tiêu SMART ít chi tiết nhất trong team – rõ ràng điều này phải thay đổi. Chúng ta thường thích đưa cho thực tập sinh hàng tá công việc, giấy tờ, thủ tục hành chính… phải giải quyết. Trong những tháng đầu tiên đi làm, tôi đã từng nhiều lần tự hỏi “Họ yêu cầu mình làm việc này sao, không đùa chứ?”. Nhưng với ý chí không nản lòng, tôi thường cười và nói “Vâng tôi sẽ làm”. Chỉ cần ở gần bên các thực tập sinh cũng khiến tôi nhớ lại khi nào nên nói KHÔNG và khi nào nên hỏi “TẠI SAO?”

4. Hạn chót là hạn chót: Tôi rất khó chịu khi một đồng nghiệp của mình không hoàn thành công việc đúng hạn. Đó là những nhân viên không trân trọng chính những cam kết của họ, hoặc tệ hơn là lơ là nó. Các thực tập sinh thì lại có thói quen xem các hạn chót như là, tôi xin được so sánh vui một chút, phụ nữ sắp sinh và vừa vỡ nước ối, nghĩa là nếu không đúng hạn thì thế giới sẽ sụp đổ đến nơi. Họ luôn hoàn thành công việc đúng hạn – chất lượng công việc thì có lẽ còn phải bàn. Tuy nhiên, họ là lời nhắc nhở cho tôi, cũng như nhiều nhân viên “kinh nghiệm” khác, đối với việc tôn trọng thời gian cam kết hoàn thành công việc.

5. Trách nhiệm: Tôi nghĩ có lẽ lời nhắc nhở quan trọng nhất đến từ những thực tập sinh dễ thương của chúng tôi chính là tinh thần trách nhiệm trên mọi phương diện. Họ nhắc tôi nhớ rằng mình không chỉ có trách nhiệm giúp toàn team làm việc hiệu quả hoặc đạt được chỉ tiêu, mà còn phải chịu trách nhiệm đối với sự phát triển sự nghiệp của từng thành viên trong team. Điều này cũng cho tôi nhận ra thứ lớn nhất tôi có thể đóng góp cho công ty là đảm bảo chúng tôi hoàn thành chỉ tiêu đề ra, nhưng thành tựu quan trọng nhất trong vai trò của người lãnh đạo là đảm bảo cho sự phát triển và hoàn thiện của đội ngũ mình lãnh đạo…….]

Sưu tầm