Làm Chủ Cảm Xúc Tiêu Cực – Bí Kíp Thành Công

Con người ai cũng có cảm xúc và đó là gia vị làm cho cuộc sống chúng ta muôn màu muôn vẻ. Có thể là vui vẻ, hạnh phúc hay buồn bã, thất vọng,… nhưng đây là một phần không thể thiếu trong cuộc sống mỗi ngày. Sẽ có những lúc chúng ta cảm thấy chán nản, thấy không còn động lực để cố gắng, hay cũng có thể là giận “sôi máu” một ai đó. Đó là những cảm xúc chúng ta không thể chọn lựa, nhưng chúng ta có thể thay đổi cách nhìn nhận và cách bộc lộ những cảm xúc tiêu cực ấy ra.

Hãy nhớ rằng “Chúng ta không thể thay đổi hướng gió nhưng chúng ta có thể thay đổi hướng buồm.”

Bạn có phải là người biết làm chủ cảm xúc?

Để biết mình có phải là người làm chủ cảm xúc, hãy trả lời ba câu hỏi dưới đây:

Bạn nhận rõ được điểm mạnh của bản thân?

Bạn hiểu rõ những điểm yếu của mình?

Bạn kiềm chế được cơn giận dữ và sự phấn khích của bản thân?

Người biết làm chủ cảm xúc là người hiểu rõ được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, đồng thời họ biết cách kiểm soát được hành động của mình chứ không làm theo những cảm xúc nhất thời.

Để nhận biết được điểm mạnh và điểm yếu của mình, bạn có thể tham khảo tại https://student.workingskills.net/courses/haui-te-u1-trac-nghiem-diem-manh-va-nghe-nghiep/

Vì sao phải làm chủ cảm xúc?

Cảm xúc là của riêng bạn nhưng việc bạn thể hiện nó như thế nào sẽ gây ảnh hưởng đến người khác. Bạn có thể giận dữ, la hét với bản thân, nhưng không thể làm tương tự với người đối diện, nếu không muốn mất đi mối quan hệ đó. Làm chủ cảm xúc không chỉ làm chủ chính bản thân mà còn tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến người khác.

Chẳng hạn trong một buổi thảo luận có nhiều ý kiến khác nhau, mọi người không ai nghe ai. Vậy bạn phải làm sao để thuyết phục mọi người đồng ý với ý kiến của mình? Bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ lý lẽ thuyết phục, bạn hãy giữ cho bản thân đừng nôn nóng và tức giận. Vì “Sự tức giận có thể dập tắt ý tưởng vĩ đại”. Hãy là người tạo không khí phù hợp cho buổi thảo luận. Bạn làm chủ được bầu không khí đó bằng cách làm chủ chính bản thân mình. Điều này sẽ giúp ích cho bạn trong việc thuyết phục những người xung quanh.

Chìa khóa để làm chủ cảm xúc.

Ổ khóa nào cũng có chìa cả, quan trọng là bạn có tìm đúng chìa hay không. Để làm chủ cảm xúc của bản thân, chúng ta chỉ cần làm được hai điều này.

Đầu tiên là bạn phải nhận thức được cảm xúc, không chỉ của bản thân mà còn của người khác nữa. Nhận thức bản thân để kiểm soát cảm xúc là một bước hết sức quan trọng. Nhận thức chính mình giúp bạn có thể biết được giới hạn chịu đựng của mình đến đâu và tránh xa những cảm xúc tiêu cực. Chẳng hạn bạn sẽ tức giận khi đi muộn mà còn kẹt thang máy, hãy đừng để điều đó xảy ra bằng cách đi sớm hơn một chút, để dù thang máy có ngừng hoạt động thì bạn vẫn dư dả thời gian đi thang bộ. Hoặc nếu bạn không thích một người nào đó, hãy tránh xa họ ra và ngừng theo dõi họ trên các trang mạng xã hội. Tóm lại hãy tự biết bản thân mình như thế nào để có thể tránh được những tình huống chúng ta không thể làm chủ cảm xúc.

Bên cạnh đó bạn hãy cảm nhận biểu hiện của người đối diện để luôn tạo được một bầu không khí thoải mái. Bạn có thể đọc vị người khác bằng những ngôn ngữ cơ thể của họ. Chẳng hạn như bạn có thể biết người đó có đang hứng thú với điều bạn nói hay không. Nếu tay của họ khoanh trước ngực, chân bắt chéo, mắt nhìn hướng khác thì chia buồn là câu chuyện của bạn chưa đủ hứng thú. Còn nếu người đó có tư thế vươn người về phía trước, mắt nhìn thằng,… có nghĩa là họ đang rất muốn nghe bạn chia sẻ. Để hiểu rõ hơn và đọc vị được người khác, bạn có thể tham khảo tại: https://student.workingskills.net/courses/it-ky-nang-giao-tiep-co-ban/

Tiếp theo là cố gắng kiểm soát được bản thân. Đây là một bước khó khăn và đòi hỏi sự kiên trì thực hiện. Việc thể hiện cảm xúc giống như một thói quen, khi bạn thoải mái thể hiện cảm xúc nóng giận, phấn khích,… bạn sẽ quen với việc thiếu kiềm chế. Và ngược lại, nếu bạn kiềm chế được nó, bạn sẽ dần quen với việc làm chủ cảm xúc của mình. Một số cách để bạn kiềm chế cảm xúc nhất thời: chuyển sự chú ý đến vấn đề khác, dành ra thời gian suy nghĩ những hậu quả sau khi bạn thể hiện cảm xúc đó, uống nước cũng là cách bạn có thể áp dụng để kiểm soát bản thân khỏi những cảm giác xúc động hay tức giận.

Khi đã kiểm soát được bản thận, bạn có thể tạo ảnh hưởng đến cảm xúc của người khác. Họ sẽ chẳng thể nổi giận đùng đùng với người luôn ôn hòa với họ đúng không nào? Bạn có biết, chúng ta có thể kiểm soát được người đối diện bằng chính hành vi của chúng ta. Chẳng hạn như điều chỉnh tông giọng, cảm xúc của người khác bằng cách bạn hãy tự điều chỉnh tông giọng và cảm xúc của chính mình.

Tóm lại, làm chủ cảm xúc là một kỹ năng quan trọng, cần sự nỗ lực rèn luyện mỗi ngày. Điều quan trọng là biết nhìn nhận mọi việc xảy đến với bản thân một cách vui vẻ và hãy nghĩ mọi thứ đều là cơ hội cho chúng ta phát triển. Hãy nhớ rằng “10% cuộc đời là những gì xảy đến với bạn, còn 90% còn lại là do phản ứng của bạn đối với những chuyện xảy đến đó”.  

Biên tập: Vũ Vũ– Cổng thông tin thực tập Internship.edu.vn