6 Suy Nghĩ Hầu Hết Sinh Viên Đều Trải Qua (Phần 2)

Qua những suy nghĩ và trải nghiệm khá thú vị từ các bạn ở phần 1- 6 Suy Nghĩ Hầu Hết Sinh Viên Đều Trải Qua, Workingskills sẽ tiếp tục điểm danh những suy nghĩ thời sinh viên được quan tâm nhiều nhất nhé!

4. Tham gia nhiều hoạt động để có cái mà viết vào CV

Phải chăng hoạt động thôi đã đủ?

Tham gia hoạt động chính là cách để bạn có thể phát triển kỹ năng mềm, mở rộng kiến thức thực tế và tích lũy cho bản thân những kinh nghiệm quý giá.

Tuy vậy, hãy để hoạt động là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển, chứ đừng biến thành yếu tố chi phối hết tất cả thời gian của chính bạn. Như ở phần 1 đã từng đề cập, bên cạnh kỹ năng thì kiến thức chuyên môn là một nền tảng không thể thiếu đối với của một bạn sinh viên thời hiện đại.

Vì thế, bạn cần phải cân bằng thật tốt giữa kiến thức chuyên môn và kỹ năng.

Bạn đang hoạt động cho CÓ?

Có thể thấy, rất nhiều bạn vẫn giữ cho mình thái độ “Làm cho có, nhận giấy chứng nhận là xong” hoặc cày ngày, cày đêm với hàng loạt hoạt động cùng lúc chỉ để chiếc CV dày hơn.

Nhưng hãy nhớ rằng một ứng viên tài năng không chỉ dừng lại ở kỹ năng ghi trên giấy mà đó phải là năng lực thật sự. Bạn có thể tham gia rất nhiều hoạt động, bạn cũng có thể ghi rất nhiều vào CV nhưng bạn đã học được gì, phát triển kỹ năng nào, ứng dụng những bài học đó ra sao, đó mới là điều quan trọng.

Làm sao để hoạt động hiệu quả?

  • Hãy xác định rõ ràng mục tiêu cho những hoạt động mình tham gia:
    – Phát triển điều gì? Làm thế nào để phát triển trong môi trường đó? Có thực sự phù hợp với bản thân?. Cùng với đó, lên kế hoạch và quản lý thời gian thật chi tiết cho từng công việc mà bạn đảm nhận.
  • Sử dụng thời gian hiệu quả:
    – Các bạn nên tập trung tham gia các hoạt động trong năm 1, 2 để có thể trải nghiệm và phát triển những kỹ năng nền tảng cho bản thân. Sau đó, dành thời gian đi thực tập, làm việc ở năm 3, 4 để có thể nâng cao kỹ năng làm việc và tích lũy thêm kinh nghiệm thực tế về nghề nghiệp tương lai.
  • Tham gia tối đa 3 hoạt động/năm.
    – Đừng tham gia cùng lúc quá nhiều, hãy dành cho bản thân một khoảng thời gian nhất định để học tập và mở rộng kiến thức chuyên môn.

5. Tự học đi! Nhiều bài giảng chán lắm!

Tự học đúng là một khả năng tuyệt vời!

Có thể nói, tự học là một trong những con đường ngắn nhất giúp bạn hoàn thiện bản thân, thông qua những lợi ích tuyệt vời như: Tăng cường kiến thức và năng lực của bản thân, nghiên cứu và hiểu biết chuyên sâu các vấn đề.

Vì thế, thật may mắn nếu bạn đang sở hữu năng lực ấy trong khoảng thời gian vô cùng quan trọng này – khoảng thời gian chuẩn bị hành trang cho tương lai phía trước.

Tự học hết được rồi, đến lớp làm chi?

Tự học sẽ không thể truyền đạt cho bạn điều vô cùng quý giá và thiết thực như trên lớp. Đó chính là những kiến thức chuyên sâu và những kinh nghiệm thực tế vô cùng quý giá, mà thầy cô tích lũy được trong suốt quá trình đi làm và học tập.

Vì thế, đến lớp chính là cơ hội giúp bạn tiếp xúc và học hỏi rất nhiều từ giảng viên, báo cáo viên cho đến chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau.

Bên cạnh đó, đến lớp còn là cách giúp bạn rèn luyện tính kỷ luật cho bản thân, cùng như nắm bắt các vấn đề khó “nhằn” ngay tại lớp.

Việc học chán hay thú vị tất cả điều phụ thuộc vào thái độ bạn tiếp nhận chúng.

6. Ngày mai, mình sẽ bắt đầu làm! Năm 3 hay Năm 4 cũng chưa muộn

Bạn đã bao giờ gặp tình huống như thế này?

Bạn có công việc cuối tuần phải nộp nhưng vì chưa có hứng thú nên bạn đã nghĩ “Thôi để mai làm cũng được”. Nhưng rồi qua 1 ngày, 2 ngày, rồi đến 5 ngày chưa ngày nào mà bạn cảm thấy hứng thú với công việc mà mình được giao. Vậy là bạn quyết định sẽ hoàn thành nhiệm vụ vào phút chót và cho rằng làm việc trong môi trường áp lực cao mới là hiệu quả nhất.

Đây chính là cách thức mà bản thân bạn đang duy trì thói quen trì hoãn để lãng tránh công việc, mặc cho những tác động tiêu cực mà nó có thể đem lại trong tương lai. Theo một nghiên tổng hợp của tiến sĩ Pier Steel có từ 80% đến 95% các bạn sinh viên bị ảnh hưởng bởi thói quen trì hoãn, khiến cho họ gặp rất nhiều rắc rối trong công việc và học tập như: Deadline dồn dập, không có thời gian để xem xét các vấn đề dẫn đến kết quả công việc tạm bợ, thậm chí là tệ hại.

Bạn luôn bị đánh lừa bởi chính bạn

Có thể thấy khi công việc hiện tại không quan trọng hoặc còn có quá nhiều thời gian để thực hiện thì các bạn sẽ tập trung vào điều hòa cảm xúc thay vì theo đuổi những mục tiêu mà mình đề ra. Lúc này bạn sẽ tập trung tìm kiếm sự thỏa mãn thay vì gò mình vào môi trường làm việc khắc nghiệt. Cùng với đó là những tưởng tượng về thời điểm hoàn thành sẽ làm bạn khá thích thú và không màn đến hiện thực như: “Chơi nốt hôm nay thôi”, “ Ngày mai làm vẫn kịp”, “Lát rồi làm”, “Còn nhiều thời gian mà”, … càng khiến việc trì hoãn ngày càng tồi tệ hơn.

Và đây cũng chính là những lý do khiến cho các thiết bị điện tử và mạng xã hội như: Điện thoại, Facebook, Youtube trở thành những cám dỗ vô cùng đáng sợ với sinh viên, học sinh trong các kỳ thi và kiểm tra.

Loại bỏ ngay trì hoãn

Để có thể khắc phục thói quen trì hoãn bạn có thể áp dụng các phương pháp sau:

  • Cấu trúc “Nếu… Thì…” hay còn gọi là phương pháp Nuôi cấy ý định để loại bỏ chúng.
    – Ví dụ như
    “ Nếu mình cảm thấy không hứng thú để thực hiện bài tiểu luận này, thì thay vì bỏ qua một bên, mình nên bắt tay vào những cách tiếp cận khác nhau như hỏi bạn bè,vẽ, viết … để tìm hiểu kỹ hơn”.
  • Phân chia mục tiêu ra thành từng hành động nhỏ để có thể bắt đầu một công việc.
    – Ví dụ, thay vì đặt mục tiêu đọc 600 trang sách trong một tháng thì hãy chia nhỏ mục tiêu ra như mỗi ngày dành 30 phút đọc 20 trang. Điều này giúp bạn không bị choáng váng hay ngán ngẫm trước 600 trang kia mà có thể bắt tay vào đọc ngay. Hơn thế chính việc phân chia như vậy sẽ giúp bạn bám sát mục tiêu đề ra cũng như quản lý quỹ thời gian vô giá của mình một cách tốt hơn.
  • Quản lý và duy trì tiến độ thực hiện từng công việc hàng ngày, hằng giờ để đạt được mục tiêu mà bạn mong muốn.- 
    Để có thể làm tốt điều này bạn có thể tham khảo bài học:
    Khám phá khả năng quản lý thời gian của bạn

Suốt cả một quãng đường Đại học,Cao đẳng, chắc hẳn những suy nghĩ mà sinh viên đã trải qua không chỉ dừng ở đây và cũng có thể còn rất nhiều điều mà bạn chưa khám phá hết. Nhưng với những chia sẻ trên, Workingskills mong rằng đó sẽ là một món quà nhỏ ý nghĩa – một người bạn đồng hành dành cho tất cả các bạn đã, đang hoặc sẽ có những suy nghĩ tương tự trong thời sinh viên ý nghĩa này.

Bạn có thể xem lại phần 1 của bài viết tại đây: 6 Suy Nghĩ Hầu Hết Sinh Viên Đều Trải Qua (Phần 1)

Biên tập: Ngoan Huỳnh – Cổng thông tin thực tập Internship.edu.vn

CÁC BÀI VIẾT THAM KHẢO

6 Suy Nghĩ Hầu Hết Sinh Viên Đều Trải Qua (Phần 1)

16 Nhóm Tính Cách – BẠN LÀ AI? (MBTI)

7 Bước Để Loại Bỏ Sự Trì Hoãn

10 Bài Trắc Nghiệm Miễn Phí – Khám Phá Bản Thân

Thang Tính Cách OCEAN – Ứng Dụng Trong Công Việc và Các Mối Quan Hệ